A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin thị trường ngày 16/07/2020

 

Giá thịt lợn tăng cao nhất trong 10 năm, Thái Lan hạn chế xuất khẩu (16/07/2020)

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Bộ Thương mại siết chặt hoạt động xuất khẩu thịt lợn sau khi giá bán lẻ thịt trong nước leo lên 170-180 bạt/kg, cao nhất trong 10 năm.

 

Theo Tổng cục Nội thương (Bộ Thương mại Thái Lan), giá thịt lợn bất ngờ tăng lên do nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu đếu tăng, nhất là sự thiếu hụt nguồn cung tại các nước láng giềng và Trung Quốc.

 

Một nguồn tin từ Bộ Thương mại yêu cầu giấu tên cho biết, trong vài ngày qua cơ quan này đã nhận được rất nhiều phản ứng từ người dân kêu ca về việc giá thịt lợn bị tăng liên tục tại nhiều khu vực.

 

Nguyên do là hồi đầu năm Bộ Thương mại đã nhất trí thỏa thuận với đại diện những người chăn nuôi lợn ký cam kết sẽ hạn chế xuất khẩu mặt hàng thịt lợn để ngăn chặn bất kỳ tác động nào đến giá thịt trong nước, khi giá thịt lợn xuất khẩu vượt qua mốc 80 bạt/ kg, tương đương 2,53 USD/kg.

 

Hiện giá thịt lợn bán lẻ trong nước đã tăng lên 170-180 bạt/kg (5,37- 5,68 USD/kg), tăng trung bình khoảng 75 bạt mỗi kg so với hồi đầu năm còn giá thịt xuất khẩu đã tăng từ 86-87 bạt cho mỗi kg.

 

Nguồn tin trên cho biết, giá thịt lợn xuất khẩu trong những ngày tới rất có thể sẽ tăng thêm lên mức 90 bạt/kg do nhu cầu trong nước và xuất khẩu vẫn tăng mạnh. Nguyên nhân được cho là do các hoạt động kinh tế và trường học mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19.

 

Ngoài ra, virus dịch tả lợn châu Phi tại Trung Quốc, Lào và Việt Nam trong thời gian qua đã gây ra những khó khăn lớn đến hoạt động tái đàn lợn khiến cho nhu cầu thịt lợn nhập khẩu tại những nước này tăng lên.

 

Thống kê, những tháng vừa qua, mỗi ngày Thái Lan đã xuất từ 6.000-8.000 con lợn đến ba nước trên. Trong khi nhu cầu sản xuất trong nước hiện chỉ đạt khoảng 22 triệu con/năm. Năm 2019, Thái Lan đã xuất khẩu khoảng 400.000-500.000 con lợn sống.

 

Ông Wattanasak Sur-iam, Phó Tổng giám đốc của Tổng cục Nội thương mại cho biết, để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu thịt lợn trong nước, Bộ Thương mại sẽ áp dụng các biện pháp giới hạn xuất khẩu theo đúng thỏa thuận trước đó nhằm đảm bảo giá thịt lợn phải chăng cho người tiêu dùng.

Nguồn: nongnghiep.vn

 

Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Nhật giảm mạnh (16/7/2020)

5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Nhật giảm mạnh ở mức 2 con số.

 

Theo số liệu của Hải quan, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Nhật Bản trong tháng 5/2020 giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Nhật đạt trên 48 triệu USD, giảm 22% so với cùng kỳ 2019.

 

Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam là 1 trong 5 thị trường có tỷ lệ xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Nhật giảm mạnh. Trong khi đó, các thị trường Thái Lan, Mỹ, Hàn Quốc, Indonesia được Nhật tăng mua mực, bạch tuộc.

 

Hiện nay, Nhật Bản là thị trường nhập mực, bạch tuộc lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này.

 

Các sản phẩm mà Việt Nam xuất sang Nhật là mực nang đông lạnh, mực ống cắt khoanh đông lạnh, mực ống nguyên con làm sạch sushi ăn liền đông lạnh, mực ống đông lạnh Geso, mực ống đông lạnh Sugata, mực ống đông lạnh Sushi, mực ống slice đông lạnh Marusaki...

Nguồn: vnexpress.net

 

EU công bố hạn ngạch nhập khẩu nông sản Việt Nam từ 1/8 (16/07/2020)

Hạn ngạch xuất khẩu gạo và một số nông sản Việt Nam sang EU vừa được Ủy ban châu Âu (EC) công bố theo thỏa thuận của Hiệp định EVFTA.

 

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 và theo thỏa thuận này, nông sản, đặc biệt là gạo của Việt Nam, sẽ được miễn thuế nhập khẩu vào EU. Tuy nhiên, các mặt hàng này có hạn ngạch nhập khẩu hàng năm.

 

Theo thông báo của EC cho biết hạn ngạch nhập khẩu vào EU đối với một số nông sản Việt Nam được áp dụng bắt đầu từ ngày 1/8.

 

Cụ thể: Trứng gia cầm có hạn ngạch từ 1/8-31/12 là 208,334 tấn và hạn ngạch mỗi năm 500 tấn; tỏi 167,668 tấn, 400 tấn); ngô (2.083,334 tấn, 5.000 tấn); bột sắn (12.500 tấn, 30.000 tấn); cá ngừ (4.791,668 tấn, 11.500 tấn); surimi (208,334 tấn, 500 tấn); đường (8.333,334 tấn, 20.000 tấn); đường đặc biệt (166,668 tấn, 400 tấn); nấm (145,834 tấn, 350 tấn)…

 

Riêng với xuất khẩu gạo, EC đưa ra một quy định riêng và với hạn mức hằng năm là 80.000 tấn, trong đó có 20.000 tấn gạo chưa xay xát, 30.000 tấn gạo xay xát và 30.000 tấn gạo thơm.

 

Để đảm bảo việc tiêu thụ và tránh bị dồn ứ mặt hàng gạo trên thị trường, EC đã đưa ra hạn ngạch nhập khẩu cụ thể cho từng loại gạo đối với từng giai đoạn trong năm như sau:

 

- Gạo chưa xay xát từ ngày 1/1 tới 31/3 là 10.000 tấn; từ 1/4 tới 30/6 là 5.000 tấn; từ 1/7 tới 30/9 là 5.000 tấn.

 

- Gạo xay xát từ ngày 1/1 tới 31/3 là 15.000 tấn; từ 1/4 tới 30/6 là 7.500 tấn; từ 1/7 tới 30/9 là 7.500 tấn.

 

- Gạo thơm từ ngày 1/1 tới 31/3 là 15.000 tấn; từ 1/4 tới 30/6 là 7.500 tấn; từ 1/7 tới 30/9 là 7.500 tấn

Nguồn: nongnghiep.vn

 


Tin liên quan

Danh mục