A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin thị trường ngày 18/02/2020

 

Giá bưởi da xanh giảm mạnh, khó tiêu thụ  (18/02/2020)

Mấy ngày nay giá bưởi da xanh sụt giảm rất mạnh, từ hơn 40.000 đồng/kg thời điểm trước Tết Canh Tý 2020, xuống chỉ còn 20.000 - 28.000 đồng/kg.

Chiều 17-2, ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở kinh doanh trái cây Hương Miền Tây (Bến Tre), đơn vị xuất khẩu bưởi da xanh hàng đầu ở ĐBSCL, cho biết: “Mấy ngày nay giá bưởi da xanh sụt giảm rất mạnh, từ hơn 40.000 đồng/kg thời điểm trước Tết Canh Tý 2020, xuống chỉ còn 20.000 - 28.000 đồng/kg. Giá giảm mạnh và nông dân ở Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng… kêu bán ào ạt, nhưng các cơ sở hạn chế thu mua, bởi đầu ra đang gặp khó khăn”.

Theo ông Hưng, những lúc thông thường, cơ sở Hương Miền Tây mỗi ngày thu mua khoảng 60 tấn bưởi da xanh cho nhiều nông dân ở ĐBSCL, thậm chí cả miền Đông Nam bộ. Tuy nhiên, thời điểm này cố gắng lắm chỉ mua khoảng 6- 7 tấn/ngày, mặc dù giá bưởi đã giảm sâu so với trước tết. Nguyên nhân là từ khi xảy ra dịch Covid-19, việc xuất khẩu nông sản bằng đường tiểu ngạch bị siết chặt. Các cơ sở xuất khẩu trái cây rất khó đưa bưởi da xanh sang thị trường Trung Quốc.

Giải pháp lúc này, được các cơ sở kinh doanh trái cây ở ĐBSCL áp dụng là đẩy mạnh tiêu thụ bưởi da xanh ở thị trường nội địa. Song, do nhiều loại trái cây cũng đang ùn ùn đưa ra các chợ, khiến việc tiêu thụ nội địa cũng không được cải thiện nhiều.

“Hiện nay chúng tôi đang phối hợp với ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL, các hợp tác xã, nông dân tiến hành xây dựng mã số vùng trồng bưởi da xanh, truy xuất nguồn gốc, nhằm đáp ứng những điều kiện cần thiết để xuất khẩu bưởi da xanh sang châu Âu và các thị trường khác; từ đó giảm áp lực xuất quá nhiều vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới”, ông Đàm Văn Hưng nói.

Về lâu dài là vậy, thế nhưng cái khó trước mắt là rất nhiều vườn bưởi da xanh ở các tỉnh ĐBSCL đã quá ngày thu hoạch, một số nơi bưởi chín đầy vườn, nhưng việc tiêu thụ rất chậm. Đáng lo hơn là tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp, nhiều vườn bưởi bị nước mặn tấn công, có nguy cơ thiệt hại lớn.

Ông Đào Văn Minh, ngụ xã Quới Sơn, huyện Châu Thành (Bến Tre), than thở: “Vườn bưởi da xanh của gia đình tôi còn hơn 1 tấn trái đã chín và kêu bán chỉ 20.000 đồng/kg nhưng thương lái chưa chịu mua. Phải tiến hành hái bỏ hàng loạt trái bưởi nhỏ để cây nhẹ bớt, không bón phân… nhằm tránh nguy cơ bị chết cây do nước mặn tấn công”.

Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng

 

 

Đầu vụ thu hoạch, giá điều đã xuống thấp  (18/02/2020)

Nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang bước vào vụ vừa thu hoạch tiêu, vừa thu hoạch điều. Cũng giống như tiêu, năm nay vụ điều đang rơi vào tình trạng giá giảm mạnh.

Theo khảo sát của phóng viên, vụ điều năm nay, tùy từng vùng, từng địa phương, nơi thì trúng, nơi thì thất thu do phụ thuộc vào thời tiết của từng vùng. Mặc dù đầu vụ thu hoạch nhưng giá điều trên địa bàn tỉnh đều đang bị giảm sâu.

Gia đình bà Phạm Thị Lương, ấp Tân Bình, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức hiện đang có 7 sào đất trồng điều, bà Lương cho biết, vụ điều năm nay gia đình bà rơi vào cảnh mất mùa, bởi cây điều ra hoa muộn, rơi đúng vào thời điểm tuy không có mưa trái mùa nhưng lại có sương muối nên hoa điều bị khô, bông rụng gần hết. Nếu như năm ngoái, vườn điều của gia đình bà thu về hơn 2,5 tấn, thì năm nay may mắn lắm cũng chỉ được gần 2 tấn.

Bà Lương chia sẻ thêm, không riêng gì vườn điều của gia đình bà bị thất thu mà hầu hết các vườn ở khu vực xã  Bàu Chinh đều rơi vào cảnh tương tự. Năng suất giảm, giá hạt điều hiện nay cũng đang ở mức thấp, chỉ có 27.000 đồng/kg (vụ điều năm 2019 đầu vụ là 32.000 đến 33.000 đồng/kg, năm 2018 là 37.000 - 38.000 đồng/kg), với giá bán này sau khi trừ chi phí bà Lương cũng chỉ thu về chưa đến 20 triệu đồng.

“Gia đình tôi trồng chủ yếu là cây tiêu và cây điều. Vụ tiêu năm nay vừa mất mùa, vừa mất giá, vụ điều cũng tương tự như vậy khiến người nông dân chúng tôi thất thu nặng nề”, bà Lương nói.

Khác với huyện Châu Đức, nhiều vườn điều tại huyện Xuyên Mộc vụ điều năm nay lại rất trúng, do nhiều vườn điều ở khu vực này hoa ra muộn hơn mọi năm nên không bị rơi vào thời điểm thời tiết có sương muối.

Gia đình ông Nguyễn Anh Tuấn, ngụ ấp 5, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc hiện có 3 ha trồng điều, ông cho biết, năm nay vườn điều của gia đình ông được mùa, nếu như năm ngoái chỉ được khoảng 3 tấn/ha thì năm nay vườn điều của gia đình ông dự kiến thu khoảng 3,5 đến 4 tấn/ha.

“Năm nay vườn điều của gia đình tôi ra hoa muộn hơn mọi năm, may mắn không rơi vào những đợt thời tiết có sương muối, sâu bệnh hại cũng ít nên vườn điều rất trúng. Tuy nhiên, vụ điều năm nay ngay từ đầu vụ giá đã rớt xuống quá thấp chỉ còn 27.000 đồng/kg, khiến chúng tôi rất lo lắng vì lợi nhuận từ hạt điều ngày càng giảm sâu”, ông Tuấn chia sẻ thêm.

Theo nhiều hộ dân trồng điều trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cây điều khi đã cho thu hoạch không tốn nhiều chi phí chăm sóc. Tuy nhiên, nhân công thu hoạch thì ngày một tăng cao do khan hiếm, cộng với việc giá hạt điều thương phẩm ngày một giảm đã khiến lợi nhuận của người trồng điều ngày một giảm mạnh.

Chính vì vậy, những năm gần đây nhiều hộ trồng điều đang chặt dần diện tích để chuyển qua trồng các loại cây khác. Cách đây khoảng 4 năm, khi tiêu đang có giá, ông Nguyễn Anh Tuấn, ngụ ấp 5, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc đã chặt bỏ 4ha điều để chuyển qua trồng tiêu. Hiện nay, gia đình ông còn 3ha điều, hết vụ này ông cũng đang tính sẽ chặt bỏ một phần diện tích để chuyển qua trồng một số loại cây ăn trái như: bơ, sầu riêng…

Như vậy, sau hồ tiêu, đến lượt người trồng điều trên địa bàn tỉnh có vụ thu hoạch kém vui dù được mùa. Điều này đặt ra bài toán về phát triển bền vững cho ngành điều, một trong những loại cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Hiện nay, các cơ quan chức năng và nông dân trên địa bàn tỉnh đang từng bước thực hiện một số biện pháp như ổn định diện tích, xây dựng nguồn giống điều chất lượng cao, chuyển đổi sang trồng một số loại cây khác phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện diện tích điều trên địa bàn tỉnh còn khoảng 8.000 ha, ngành nông nghiệp đang hướng dẫn người dân về diện tích trồng mới sử dụng giống điều chất lượng cao, đẩy mạnh các biện pháp thâm canh để tăng năng suất, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nông dân tái canh vườn điều.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng tăng cường phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu cây ăn trái miền Đông Nam bộ nhân giống điều mới để cung ứng cho người dân; tổ chức các lớp tập huấn về quản lý dịch bệnh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật... 

Ông Lê Quý Thịnh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức cho biết, địa phương này là một trong những vùng trồng hạt điều lớn nhất của tỉnh.

Tuy nhiên, diện tích loại cây này những năm gần đây liên tục giảm do điều già cỗi hoặc lợi nhuận thấp nên nông dân chặt bỏ. Trước tình hình đó, huyện đã nhanh chóng tìm các biện pháp hỗ trợ nông dân tìm ra một số giống cây mới có thị trường tiêu thụ tốt, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương.

“Sau khảo sát, ngành nông nghiệp huyện nhận thấy ca cao là một loại cây tiềm năng, phù hợp với điều kiện phát triển của huyện Châu Đức. Vừa qua, huyện đã mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng ca cao hữu cơ năng suất cao và hỗ trợ toàn bộ giống cho nông dân địa phương trồng thêm 100ha ca cao”, ông Thịnh nói.

Ngoài chuyển đổi cây trồng, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đã tìm cách nâng cao giá trị cây điều bằng một số biện pháp như áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Ông Trần Nam, ấp Liên Sơn, xã Xà Bang, huyện Châu Đức cho biết, cách đây 3 năm, vườn điều của ông do giống cây không tốt, già cỗi nên cho năng suất rất thấp.

Vì vậy, ông đã phá bỏ và trồng loại giống mới cho năng suất cao. Không những vậy, ông còn tìm kiếm một số loại điều từ một số địa phương và trại giống uy tín về trồng, nhờ đó chất lượng điều ngày một được nâng lên.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

 

 

Tỏi Lý Sơn được mùa nhưng mất giá  (17/02/2020)

Vụ tỏi đông xuân 2019 - 2020, nông dân Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) trồng hơn 330 hecta. Tỏi được mùa nhưng giá bán lại giảm khiến bà con khó khăn.

Vụ tỏi này, gia đình bà Nguyễn Thị Thúy (ở xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đầu tư gần 100 triệu đồng sản xuất 5 sào tỏi. Mặc dù khó khăn về nguồn nước tưới, nhưng nhờ xuống giống sớm, chăm sóc tốt nên 5 sào tỏi của bà Thúy cho thu hoạch khoảng 2 tấn tỏi tươi.

“Tỏi trồng sớm nên cây tỏi năm nay đạt hơn năm ngoái nhưng bán không được. Năm rồi tôi trồng 4 sào tỏi, bán 500kg tỏi khô nhưng vụ này khả năng bán trên 500 kg”, bà Nguyễn Thị Thúy cho hay.

Hiện giá tỏi ở Lý Sơn đang giảm mạnh. Đầu mùa, tỏi tươi Lý Sơn có giá 75.000 - 80.000 đồng/kg, nhưng đến nay giảm còn từ 20.000 - 40.000 đồng/kg tùy loại. Giá tỏi hạ thấp vì nông dân đang thu hoạch rộ nhưng sức mua giảm.

Bà Lê Thị Lắm ở xã An Vĩnh cho biết, năm nay chi phí đầu tư cho mỗi sào tỏi cao hơn từ 3 - 5 triệu đồng. Năng suất tỏi có cao hơn năm ngoái, nhưng giá rất rẻ nên hầu hết nông dân hạn chế bán sản phẩm tươi.

“Tỏi được mùa hơn năm ngoái nhưng giá rất rẻ nên tôi không bán để thu hoạch về phơi khô chờ giá lên mới bán”, bà Lê Thị Lắm nói.

Ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lý Sơn cho biết, trước tình hình giá cả không ổn định, huyện Lý Sơn đang hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất để bao tiêu cho nông dân: “Đầu ra của tỏi năm nào cũng vậy, được mùa mất giá. Sắp tới phòng Nông nghiệp sẽ phối hợp với các doanh nghiệp của tỉnh bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá hợp lý để ổn định sản xuất”.

Nguồn: Vov.vn

 

 

Giá gà công nghiệp xuống thấp kỷ lục, người nuôi lỗ nặng  (17/02/2020)

Giá gà công nghiệp tại các trại chăn nuôi giảm mạnh, hiện dao động từ 9.000 - 10.000 đồng/kg, người chăn nuôi đang lỗ khoảng 30.000 đồng/con.

Tuần trước, giá gà công nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, giảm sâu còn 12.000-13.000 đồng/kg đối với gà có trọng lượng đạt tiêu chuẩn xuất chuồng nhưng đến hôm nay (17-2) chỉ còn 10.000 đồng/kg. Trong khi đó, gà vượt trọng lượng xuất chuồng hồi tuần trước 10.000 đồng/kg, nay giảm còn 9.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội gia cầm Miền Đông, cho hay giá công nghiệp hiện đã xuống tận đáy, không thể nào giảm hơn được nữa. Tuy có mức giá rẻ nhưng theo ông Ngọc, người chăn nuôi rất khó bán được hàng. Nhiều trại gà lớn lỗ hàng chục triệu đồng mỗi ngày tiền thức ăn chăn nuôi.

Các chủ trại chăn nuôi gà ở Đồng Nai gọi điện khắp nơi nhưng thương lái chỉ hứa chứ không chịu bắt gà ngay vì thị trường tiêu thụ đang gặp khó khăn.

Trong khi đó, ở thị trường heo hơi, sau khi Bộ NN-PTNT yêu cầu giảm giá heo hơi xuống dưới 75.000 đồng/kg, các doanh nghiệp chăn nuôi heo quy mô lớn đã đồng loạt giảm giá heo khá mạnh. Theo đó, Công ty CP chăn nuôi C.P. Việt Nam (CP) sáng nay công bố giảm tiếp 2.000 đồng/kg so với tuần trước, xuống còn 75.000 đồng/kg, Japfa còn 73.500 - 76.000 đồng/kg, Emivest và CJ từ 71.500 - 74.000 đồng/kg.

Tuy giá heo hơi giảm liên tục mấy ngày qua nhưng giá thịt heo bán tại các chợ lẻ, siêu thị ở TP HCM vẫn chưa thấy giảm tương ứng. Tại chợ lẻ, giá thịt heo vẫn ở mức cao từ 150.000 - 200.000 đồng/kg. Tương tự, giá thịt gà bán lẻ trên thị trường vẫn khá cao, từ 50.000 - 70.000 đồng/kg.

Dù giá heo hơi giảm nhưng lượng tiêu thụ vẫn chưa phục hồi. Tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn rạng sáng 17-2, lượng heo về chợ chỉ đạt 240 tấn, giảm 54 tấn so với hôm trước.

Nhiều chủ trại chăn nuôi gà, heo cho rằng do virus corona, học sinh, sinh viên nghỉ học, nay thêm cúm gia cầm xảy ra ở một số địa phương càng làm cho sức tiêu thụ gia súc, giả cầm giảm thêm.

Nguồn: Báo người lao động

 

 

Vừa thông đường đi Trung Quốc, giá thanh long vọt lên 40.000 đồng  (17/02/2020)

Cách đây gần 2 tuần, con đường xuất khẩu sang Trung Quốc bị tắc nghẽn khiến thanh long của ĐBSCL rớt giá xuống 1.000 đồng/kg, nhiều hoạt động "giải cứu" giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm đã diễn ra. Thế nhưng, cửa đi Trung Quốc vừa thông, giá loại nông sản này đã bất ngờ bật mạnh lên 40.000 đồng/kg.

Trao đổi với TBKTSG Online vào hôm nay, 17-2, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho biết, cách đây khoảng 10 ngày, đơn vị này cùng UBND tỉnh Long An và Sở Công Thương các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã phải họp để bàn cách "giải cứu" thanh long cho người dân.

Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, trong tuần này, lãnh đạo nhiều địa phương ở ĐBSCL vẫn tiếp tục có những chuyến “thị sát” nhằm tìm phương án tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh, mấy ngày qua, giá thanh long ở tỉnh Long An liên tục tăng mạnh trở lại, thậm chí, có ngày giá được điều chỉnh tăng 2-3 lần. “Vào sáng nay, 17-2, các nhà kho tiêu thụ thanh long ở Long An đã phát giá mua tại kho đối với thanh long ruột đỏ, loại 1 là 40.000 đồng/kg”, ông Trịnh dẫn chứng và cho rằng mức giá doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu đi Trung Quốc mua từ nhà kho ít nhất cũng 45.000 đồng/kg trở lên.

Bà Huỳnh Kim Phụng, đại diện nhà kho thanh long Long Việt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, mức giá được kho này mua vào sáng hôm nay (17-2) là 35.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ loại 1; loại 2 là 28.000 đồng/kg và loại 3 là 22.000 đồng/kg, tăng từ 20.000- 30.000 đồng/kg so với mức giá cách đây khoảng 10 ngày. “Mức giá này là vào sáng nay (đến khoảng 10 giờ ngày 17-2), nhưng không loại trừ có thể còn tăng thêm, tùy theo nhu cầu thị trường”, bà Phụng cho biết.

Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, mức giá được các nhà kho mua vào như hiện nay là đã ngang bằng với mức giá được họ mua vào tại thời điểm trước Tết Nguyên đán 2020, tức trước khi các cửa khẩu xuất khẩu sang Trung Quốc bị đóng bởi tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) gây ra.

Theo ông Trịnh, các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc hiện đã thông chính là lý do khiến việc xuất khẩu hàng nông sản, trong đó, có thanh long của Việt Nam sang Trung Quốc thuận lợi hơn, giúp giá trong nước cũng khởi sắc trở lại.

Tại buổi làm việc của đoàn công tác Chính phủ với UBND tỉnh Vĩnh Long diễn ra chiều ngày 15-2, một vị đại diện của Bộ Công Thương xác nhận, các cửa khẩu chính lẫn cửa khẩu phụ giao thương với Trung Quốc hiện đã thông trở lại.

Liên quan đến việc cách ly tài xế 14 ngày khi vận chuyện hàng hóa sang Trung Quốc trở về, ông Trịnh cho rằng, các đơn vị liên qua đã giải quyết bằng cách: thay vì tài xế Việt Nam phải đưa hàng sang Trung Quốc và thực hiện cách ly khi quay về, thì cho phép tài xế và xe bên Trung Quốc qua cửa khẩu phía Việt Nam lấy hàng. “Khi xe Trung Quốc sang lấy hàng, thì nhân công của mình (Việt Nam) bốc xếp hàng lên xe để họ chuyển về”, ông nói.

Nguồn: thesaigontimes


Tin liên quan

Danh mục