A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin thị trường ngày 23/07/2020

 

Được nhà máy bao tiêu, dân trồng mía vẫn khóc ròng vì lỗ (23/07/2020)

Nếu những người trồng mía bán lẻ đang sống khỏe, những nông hộ khác, dù mang tiếng được nhà máy bao tiêu, nhưng vẫn lo lắng vì không kiếm nổi đồng lời. Chuyện dở khóc dở cười này đang xảy ra trong mùa mía ở tỉnh Hậu Giang…

 

Năm 2008, diện tích trồng mía trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hơn 15 ngàn ha, nhưng đến năm 2020 diện tích trồng mía chỉ còn gần 6 ngàn ha. Trong vụ mía năm 2020, tổng diện tích trồng mía ở tỉnh Hậu Giang là gần 6.000 ha (giảm giảm 2.559 ha so với năm 2019).

 

Theo nhiều nông dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp, mỗi năm cây mía chỉ thu hoạch một lần, mọi chi tiêu trong gia đình đều trông chờ vào cây mía. Song khoảng 3 năm trở lại đây, sau khi bán mía và trừ tất cả mọi chi phí thì người nông dân chỉ huề vốn, có nhà còn thua lỗ. Trước tình cảnh trồng mía không có lãi, không ít nông dân đang có định hướng chuyển sang những cây trồng khác.

 

Gia đình bà Lê Thị Tư (sinh năm 1960, huyện Phụng Hiệp) có hơn 20 năm trồng mía. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, giá mía giảm khiến gia đình bà lao đao.

 

Vụ mía năm 2020, gia đình bà Tư ngoài trồng gần 14 công mía (1 công khoảng 1000m2), ngoài ra, gia đình bà có trồng thêm các giống như: bầu, bí đao, dưa... để có tiền trang trải thêm cho cuộc sống.

 

 

“3 năm nay, sau khi bán 14 công mía, gia đình tôi thu được khoảng hơn 50 triệu đồng, trừ hết chi phí thì không dư đồng nào. Gia đình cũng tính bỏ, nhưng nghỉ thì không biết trồng gì bây giờ. Giờ tôi chỉ mong cây mía có giá 1000 đồng/kg – loại 10 chữ đường là mừng lắm rồi” – bà Tư nói thêm.

 

Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Liêm (sinh năm 1966, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp) cho hay, nhà ông trồng hơn 1 công mía, nhưng giá mía được mua với giá 700 đồng/kg – loại 10 chữ đường và được nhà máy đường hỗ trợ nhưng vẫn không có lời. Vì thế, ông quyết định chuyển qua bán mía chục để là làm nước giải khát từ đó ông kiếm được 1-2 triệu tiền lời.

 

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, hiện trên địa bàn tỉnh còn 1 nhà máy đường Phụng Hiệp công suất tối đa 3.000 tấn/ngày, công suất hoạt động từ 2.400- 2.600 tấn/ngày; còn nhà máy đường Cồn Long Mỹ Phát và nhà máy Đường Vị Thanh đã đóng cửa ngưng hoạt động niên vụ mía 2019-2020.

 

Hiện nay trên địa bàn tỉnh này có 5.098 ha mía. Trong đó, mía ép nước là 140 ha đã thu hoạch, dự kiến diện tích bán mía ép nước sẽ tiếp tục tăng nhưng không nhiều, tối đa lũy kế khoảng 300 ha.

 

Ngoài ra, tại huyện Phụng Hiệp và TP.Ngã Bảy, doanh nghiệp có chính sách bao tiêu với nông dân tham gia sản xuất: nếu người dân nhận hỗ trợ vật tư đầu vào 2,5 triệu đồng/ha thì giá bao tiêu 770 đồng/kg mía 10 chữ đường tại cầu cảng; còn nếu người dân không nhận hỗ trợ vật tư đầu vào thì giá bao tiêu 800 đồng/kg mía 10 chữ đường tại cầu cảng.

 

So với giá thành sản xuất mía trung bình hàng năm thì người dân có lời, tuy nhiên rất ít” - Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho hay.

Nguồn: laodong.vn

 

ĐBSCL: Giá lúa tăng mạnh (23/07/2020)

Hiện nay, lúa hè thu ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long sắp hết mùa thu hoạch, nguồn cung giảm, giá lúa tăng mạnh.

 

Tại An Giang giá lúa tươi giống Đài Thơm 8 tăng giá khá mạnh 5.700 đ/kg, cao hơn 200-300 đ/kg so 2 tuần trước. Lúa OM5451 giá 5.300 - 5.400 đồng/kg, OM6976 giá 5.300 - 5.400 đ/kg. Lúa IR 50404 giá 5.100-5.200 đ/kg, tăng 150-200 đ/kg.

 

Theo dự báo của giới kinh doanh lúa gạo nhiều khả năng thị trường gạo Trung Quốc sẽ nhập gạo số lượng lớn do thiên tai nặng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Campuchia khoảng trên 397.000 tấn, trị giá hơn 264 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi theo Liên đoàn Gạo Campuchia (CRF), Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Campuchia, chiếm 37% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của nước nầy, kế đó là EU và Anh.

 

Mặt khác, gạo Việt xuất khẩu chờ đón cơ hội mới mở cửa từ Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8. Trong các mặt hàng nông sản, đặc biệt là gạo Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu vào EU. Số liệu ban đầu, hạn mức hằng năm là 80.000 tấn, trong đó có 20.000 tấn gạo chưa xay xát, 30.000 tấn gạo xay xát và 30.000 tấn gạo thơm.

Nguồn: nongnghiep.vn

 

Trái cây Việt Nam rộng cửa sang Nhật (23/07/2020)

"Sau đại dịch Covid-19, Việt Nam có nhiều lợi thế để trở thành nhà xuất khẩu lớn của thế giới. Thời gian tới, Aeon Việt Nam sẽ xuất khẩu thêm nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng "made in Việt Nam" sang Nhật và các thị trường khác".

 

Đó là nhận định của đại diện Aeon Việt Nam tại hội thảo "Định hướng sản phẩm xuất khẩu và chuỗi chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) Việt Nam thông qua hệ thống siêu thị Aeon - nhãn hàng Aeon Top Valu trong mùa dịch Covid-19" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) phối hợp Aeon Việt Nam tổ chức sáng 22-7 tại TP HCM.

 

Ông Nishitohge Yasuo, Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam, cho biết Aeon Việt Nam đang sở hữu 5 trung tâm thương mại, trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị ở Việt Nam; dự kiến trung tâm Aeon thứ 6 sẽ được mở vào cuối năm nay tại TP Hải Phòng. Nhà bán lẻ đến từ Nhật còn đầu tư một dự án trung tâm thương mại kết hợp tạo dựng khu đô thị mới tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội trong tương lai.

 

Thời gian qua, Aeon đã thúc đẩy mở rộng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Nhật và thị trường nước ngoài. Riêng năm 2019, Aeon đã xuất khẩu sang Nhật 381 triệu USD hàng Việt, trong đó 75% là sản phẩm may mặc, tỉ trọng hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng vẫn còn thấp.

 

Về tiềm năng xuất khẩu, Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam nhận định cá basa Việt Nam trên các kệ hàng của Aeon đã nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng Nhật Bản. Năm 2019, tổng sản lượng xuất khẩu cá basa sang Nhật lên tới 1.200 tấn. Xoài Việt Nam cũng được thị trường Nhật ưa chuộng, trung bình mỗi tháng có 5-10 tấn xoài đông lạnh Việt Nam được tiêu thụ tại hệ thống Aeon ở Nhật. Ngày 23-6 vừa qua, những lô vải thiều đầu tiên của Việt Nam đã chính thức bày bán tại hệ thống phân phối của Aeon và Aeon là nhà bán lẻ đầu tiên giới thiệu và bán vải thiều tươi tại thị trường Nhật.

 

Theo ông Shiotani Yuichiro, Tổng Giám đốc Aeon Top Valu, đã có khoảng 200 DN Việt Nam hợp tác với Aeon để xuất khẩu hàng sang Nhật. Riêng ở nhóm nông sản, không dừng lại ở trái vải, xoài, thanh long... mà sắp tới hệ thống này sẽ mở rộng xuất khẩu nhiều loại trái cây của Việt Nam sang xứ sở mặt trời. "Năm 2020, tập đoàn đặt mục tiêu xuất khẩu 500 triệu USD hàng hóa Việt Nam. Sáu tháng đầu năm, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng kết quả khá khả quan là đã xuất khẩu 260 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ" - ông Shiotani Yuichiro. Ông cũng cho biết thông qua những buổi hội thảo, tập huấn, năng lực của các nhà cung cấp Việt Nam đã được cải thiện nhiều. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều nhà cung cấp chưa thật sự hiểu nhu cầu của thị trường Nhật để khai thác hiệu quả.

 

Đại diện Aeon nhìn nhận các mặt hàng nông sản đặc trưng của Việt Nam đang rộng cửa xuất sang Nhật. Vấn đề cốt lõi là sản phẩm Việt muốn tiêu thụ tốt tại Nhật cũng như các thị trường khác thì phải cân bằng được giá cả với chất lượng sản phẩm, sao cho sản phẩm đến tay người tiêu dùng bảo đảm chất lượng tốt, giá phải chăng.

Nguồn: nld.com.vn

 

Giá heo hơi hôm nay 23/7: Miền Trung thấp nhất (23/07/2020)

Giá heo hơi hôm nay ngày 23/7/2020 tại miền Trung đi xuống, trở thành miền có giá thấp nhất cả nước, có nơi xuống mức 82.000 đ/kg.

 

Giá heo hơi tại miền Bắc

Giá heo hơi hôm nay 23/7 tại thị trường miền Bắc trầm lắng, heo hơi tiếp tục duy trì quanh mốc 90.000 đ/kg. Duy chỉ có giá heo hơi tại Phú Thọ hôm nay tăng nhẹ 1.000 đ/kg.

 

Hầu hết các địa phương còn lại giao dịch ở ngưỡng cao như Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thái Nguyên, Lào Cai, Thái Nguyên cùng thu mua với giá 91.000 đ/kg.

 

Còn tại Tuyên Quang, Hà Nội và Nam Định, giá heo hơi vẫn neo ở ngưỡng cao, đạt 92.000 đ/kg.

 

Giá heo hơi hôm nay 23/7/2020 của toàn miền Bắc dao động quanh mức 89.000 - 92.000 đ/kg.

 

Giá heo hơi tại miền Trung và Tây Nguyên

Giá heo hơi hôm nay 23/7 tại miền Trung ghi nhận mức tăng giảm trái chiều trong ngày hôm nay.

 

Tại Nghệ An, giá tăng nhẹ 1.000 đ/kg lên ngưỡng 86.000 đ/kg, hiện đang ngang bằng với Khánh Hòa và Lâm Đồng.

 

Trong khi đó, 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế và Ninh Thuận cùng giảm 1.000 đ/kg, heo hơi tại đây được thu mua quanh ngưỡng 85.000 - 87.000 đ/kg. Riêng tại Bình Thuận, giá thu mua giảm 2.000 đ/kg xuống còn 88.000 đ/kg.

 

Giá heo hơi hôm nay 23/7/2020 tại miền Trung được thương lái thu mua trong khoảng 82.000 - 90.000 đ/kg.

 

Giá heo hơi tại miền Nam

Tại các tỉnh thuộc miền Nam, giá heo hơi hôm nay 23/7 ghi nhận mức giảm nhẹ từ 1.000 - 2.000 đ/kg tại một số tỉnh, thành.

 

Cụ thể, tại Cần Thơ và Bình Dương, giá giảm 1.000 đ/kg xuống còn 87.000 đ/kg, hiện đang ngang bằng với TP HCM, Vũng Tàu và Vĩnh Long.

 

Riêng Kiên Giang, giá heo hơi hôm nay giảm mạnh 2.000 đ/kg, đang được thương lái thu mua với giá 88.000 đ/kg.

 

Giá heo hơi tại thủ phủ Đồng Nai hôm nay vẫn đang giữ mức 92.000 đ/kg.

 

Giá heo hơi hôm nay 23/7/2020 toàn miền Nam dao động quanh ngưỡng 85.000 - 92.000 đ/kg.

Nguồn: nongnghiep.vn

 


Tin liên quan

Danh mục