A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin thị trường ngày 24/02/2020

 

Rau xanh tăng giá, thương lái tranh mua  (24/02/2020)

Theo đánh giá của ngành NN-PTNT Hải Dương, hiếm có năm nào, rau vụ đông vừa được mùa, được giá như năm nay.

Về xã Phạm Trấn, vựa rau của huyện Gia Lộc những ngày này, cảnh mua bán nông sản vẫn diễn ra tấp nập, dù đã cuối vụ. Từng chiếc xe máy thồ, xe tải lùi vào tận ruộng để thu mua bắp cải.

Niên vụ 2019 - 2020, Hải Dương gieo cấy 21,4 nghìn ha cây vụ đông. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các huyện Nam Sách (2.700ha), Kinh Môn (4.632ha), Gia Lộc (2.770ha) và Kim Thành (2.287ha).

Bà Nguyễn Thị Bến, thôn Côi Hạ cho biết, năm nay gia đình trúng lớn ruộng bắp cải hơn 2 mẫu. Sau Tết nguyên đán, khi những trận mưa to qua đi, cũng là lúc ruộng bắp cải được thu hoạch.

Bắp cải được các thương lái thu mua tận ruộng, giá trung bình 6,5 nghìn đồng/bắp (không tính theo cân). Mỗi sào bắp cải, bà Bến thu được 8,5 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, khoảng 2 triệu đồng, gia đình vẫn bỏ túi 6,5 triệu đồng/sào.

Bà Bến nhẩm tính, từ sau Tết, gia đình đã bán được hơn 100 triệu đồng tiền bắp cải. Hiện còn 9 sào ở cánh đồng kế bên, dự kiến 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Tuy nhiên, thương lái đã tới tận ruộng đặt tiền mua toàn bộ, trung bình 6,5 nghìn đồng/bắp, tương đương 50 triệu đồng.

Chỉ tay về phía cánh đồng bắp cải, bà Bến bảo, hiếm có năm nào, rau vừa được mùa lại được giá như năm nay. Càng cuối vụ, các thương lái càng mạnh tay chi tiền cọc, “ôm” cả ruộng rau bất chấp rủi ro.

 “Chúng tôi nói đùa với nhau, là họ đang đem tiền phơi giữa cánh đồng. Nếu thời tiết thuận lợi, rau đẹp thì trúng. Nhưng lỡ mưa gió, sâu bệnh bất ngờ, rau hỏng thì thương lái cũng phải chịu, vì đặt cọc rồi”, bà Bến chia sẻ.

Không chỉ bắp cải, người trồng su hào ở Phạm Trấn cũng hồ hởi không kém. Ông Nguyễn Văn Doanh (cùng thôn Côi Hạ) cho biết, tuy nhà trồng hơn 1 sào su hào, nhưng cũng gọi là “ăn đủ”. Đứng giữa cánh đồng trò chuyện, thoạt lúc, ông Doanh lại nghe điện thoại rồi đáp “Thương lái họ đặt mua rồi, 5 nghìn 1 củ, chú mua được thì mua”, rồi cúp máy.

Theo ông Doanh, thương lái đã về tận ruộng đặt mua su hào với giá 5 nghìn đồng/củ, loại 3 lạng. Tính ra, giá su hào tại ruộng khoảng 16 nghìn đồng/kg. Ông Doanh tính toán, một sào su hào sẽ thu về khoảng 20 triệu đồng, trong đó chi phí chỉ 2 triệu đồng.

“Thương lái toàn đặt mua cả ruộng, nên năm nay, chúng tôi còn không có rau bán ra chợ dân sinh. Nhiều khi người dân ở quê muốn ra chợ mua ăn cũng khó. Vì họ mua buôn xong thường bán đi các thành phố lớn thôi”, ông Doanh cho biết.

Ông Đào Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã Phạm Trấn cho biết, người dân nơi đây bao năm vẫn bám lấy ruộng vườn để sản xuất. Toàn xã có 370ha đất nông nghiệp thì có tới 250ha dành để trồng rau màu, 100ha nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, do tập quán sản xuất nhỏ lẻ, người dẫn vẫn canh tác theo phương thức truyền thống – mùa nào thức nấy. Dù vậy, do có kinh nghiệm thâm canh, chịu khó bắt mối thương lái nên nông sản Phạm Trấn hiếm khi bí đầu ra hay phải giải cứu.

Cũng theo ông Quyết, ngay sau vụ cải bắp, su hào, tới đây người dân sẽ cải tạo đất để trồng bầu, bí, cà pháo… để bán vào dịp hè.

“Bên cạnh sản xuất nhỏ lẻ, trên địa bàn cũng đã và đang hình thành một HTX đứng lên tích tụ đất đai làm nhà màng, nhà lưới. Tới nay, đã có 27ha rau được chứng nhận VietGAP. Mô hình đang được sự hỗ trợ hết sức tích cực của huyện cũng như Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương”, ông Quyết cho hay.

Trao đổi với Báo NNVN, ông Lê Thái Nghiệp, Phó trưởng Phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Hải Dương) cho biết, diện tích cây vụ đông đến nay đã thu hoạch được trên 90%.

Theo đánh giá, vụ đông năm nay được cả mùa lẫn giá, hiếm có trong vòng 5 năm trở lại đây. Với diện tích lớn bắp cải, su hào, hầu hết được các thương lái xuống tiền thu mua non cả tháng trước thời điểm thu hoạch.

Đặc biệt, với vùng trồng cà rốt (chủ yếu tại huyện Cẩm Giàng), diện tích chưa thu hoạch còn khoảng 30%. Tuy nhiên, ông Nghiệp khẳng định, số này cũng đã được các doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến trả tiền đặt mua cho người dân. Thời điểm này, cà rốt không phải chăm sóc gì nhiều nên người dân cũng yên tâm, chờ ngày thu hoạch.

Lý giải về sự hiếm có này, ông Nghiệp cho rằng, mọi thứ đều do thị trường điều tiết, không ai can thiệp để hạ hay nâng giá được. Thời điểm thu hoạch, ngay khi dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) bùng phát ở Trung Quốc. Nhiều người tỏ ra lo lắng, bởi đường xuất khẩu sẽ gặp khó khăn.

Tuy nhiên, thời gian đã chứng minh điều ngược lại. Cũng chính bởi dịch bệnh, rau, quả Trung Quốc khan hiếm, không xuất sang Việt Nam nên giá rau trong nước bỗng chốc tăng cao. “Một phần do mưa to, mưa đá, nhiều vùng rau bị thiệt hại nên việc khan hàng là thực tế, không có “bàn tay” nào tham gia thổi giá như nhiều người nghĩ”, ông Nghiệp chia sẻ.

Nguồn: Báo nông nghiệp Việt Nam

 

 

Giá heo hơi chững lại, giá thịt vẫn neo cao  (23/02/2020)

Giá heo hơi ghi nhận sự chững lại, dưới mốc 80.000 đồng/kg.

Tại khu vực phía nam, trong tuần qua, giá heo hơi giảm từ 4.000 - 5.000 đồng/kg, về mức 74.000 - 79.000 đồng/kg tại các tỉnh Long An, Bến Tre, Cần Thơ, An Giang… Khu vực miền Đông Nam bộ cũng giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 76.000 - 80.000 đồng/kg. Riêng tại TP.HCM, heo hơi vẫn được bán giá 80.000 đồng/kg.

Thị trường phía bắc cũng giữ mức giá heo hơi tương đương. Mức thấp nhất ghi nhận tại Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Nam Định, Phú Thọ là 75.000 đồng/kg, cao nhất ở Hà Nội, Hưng Yên với 79.000 đồng/kg. Tuy nhiên, một số tỉnh khu vực phía bắc như Bắc Giang, Vĩnh Phúc vả cả các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Khánh Hòa… vẫn còn neo khá cao, 82.000 - 83.000 đồng/kg.

Tuy vậy, thông tin từ chợ đầu mối, giá heo mảnh hai ngày cuối tuần tại TPHCM vẫn giữ mức khá cao, từ 95.000 - 110.000 đồng/kg. Ghi nhận tại các chợ bán lẻ sáng nay (23.2), giá thịt ba rọi giá 160.000 đồng/kg, sườn non 180.000 đồng/kg, cốt lết 150.000 đồng/kg, nạc mông 140.000 đồng/kg, nạc dăm 150.000 đồng/kg. Như vậy, sau một tuần giá heo hơi giảm mạnh, giá thịt heo bán lẻ tại các chợ hầu như chưa thay đổi, mức giá vẫn còn rất cao. Theo tiểu thương bán thịt tại chợ truyền thống, giá thịt heo mảnh mua sỉ tại chợ vẫn chưa thấp nên giá thành khó giảm. Lượng thịt mua về bán tại các chợ này giảm từ 30 - 40% so với ngày thường năm ngoái.

Nguồn: Báo Thanh Niên

 

 

Đồng bằng sông Cửu Long: Ùn ứ… bưởi da xanh  (23/02/2020)

Nhiều năm nay, bưởi da xanh được xem là một trong những loại trái cây “hot” ở ĐBSCL, bởi luôn được giá cao và sản lượng không đủ xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, những ngày gần đây bưởi da xanh bỗng nhiên rớt giá thê thảm và khó tiêu thụ, cộng với bị nước mặn tấn công… khiến nhiều nông dân lo lắng.

Với khoảng 8.000ha bưởi da xanh đặc sản được trồng ở thành phố Bến Tre và các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm… Tỉnh Bến Tre là địa phương có diện tích bưởi da xanh lớn nhất vùng ĐBSCL. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, thời gian qua thống kê bình quân cho thấy thu nhập từ bưởi da xanh của nông dân ở các huyện đạt khoảng 500 triệu đồng/ha trở lên. Đây là loại cây ăn trái hiệu quả rất cao, chính vì vậy mà diện tích bưởi da xanh không ngừng phát triển.

Đưa chúng tôi ra thăm vườn bưởi da xanh rộng hơn 8 công của gia đình mình, ông Đào Văn Minh, ở xã Quới Sơn, huyện Châu Thành (Bến Tre), bộc bạch: “Chỉ với ngần ấy diện tích nhưng bình quân mỗi năm vườn bưởi của gia đình tôi cho thu nhập trên dưới 1 tỉ đồng. Nguyên nhân cũng nhờ tôi trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP nên thường được thương lái thu mua với giá khá cao”.

Theo ông Minh, đó là chuyện của thời gian trước, chứ còn hiện nay thì tình hình tiêu thụ bưởi da xanh đã đảo chiều theo hướng ùn ứ. Nhìn những trái bưởi to đùng đã quá kỳ thu hoạch nhưng chưa thể bán được, ông Đào Văn Minh nói: “Ước tính sơ bộ lúc này trong vườn có hơn 1 tấn bưởi da xanh chín cây, nhưng chưa thể hái. Nếu như thời điểm trước Tết Canh Tý 2020 giá bưởi da xanh từ 40.000 đồng/kg trở lên thì hiện nay tôi kêu bán chỉ 20.000 đồng/kg (giảm phân nửa); vậy mà thương lái chần chừ không mua”.

Cùng cảnh ngộ trên, ông Nguyễn Văn Tính, canh tác 6 công bưởi da xanh ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng), than thở: “Lâu nay bưởi da xanh ít bao giờ sụt giảm xuống mức 20.000 đồng/kg, nhưng bây giờ giá rớt khá mạnh khiến nông dân trồng bưởi vô cùng lo lắng. Giá bưởi da xanh giảm liên tục từ sau Tết Canh Tý 2020 khi tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (Covid-19) gây ra”.

Những thương lái chuyên thu mua bưởi da xanh ở ĐBSCL và một số doanh nghiệp xuất khẩu trái cây nhìn nhận, nhiều năm qua cùng với việc tiêu thụ nội địa ở Thành phố Hồ Chí Minh, miền Bắc, miền Trung… thì phần lớn bưởi da xanh được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Thời điểm hút hàng, giá bưởi tăng lên rất cao khoảng 60.000 đồng/kg, khi đó cả bưởi còn non thương lái cũng thu mua để kịp xuất khẩu. Cũng chính từ việc có phần phụ thuộc đầu ra vào thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc nên khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 khiến việc đưa bưởi da xanh sang Trung Quốc bị đình trệ; ngay lập tức giá bưởi ở ĐBSCL giảm thê thảm.

Ông Đàm Văn Hưng, Chủ cơ sở kinh doanh trái cây Hương Miền Tây (Bến Tre), đơn vị xuất khẩu bưởi da xanh hàng đầu ở ĐBSCL, cho biết: “Giá bưởi từ hơn 40.000 đồng/kg thời điểm trước Tết Canh Tý 2020, giờ sụt giảm khá mạnh và nông dân ở Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng… kêu bán ào ạt nhưng các cơ sở hạn chế thu mua, bởi đầu ra đang gặp khó khăn”. Theo ông Hưng, nếu như những lúc thông thường cơ sở Hương Miền Tây của ông mỗi ngày thu mua khoảng 60 tấn bưởi da xanh cho nhiều nông dân ở ĐBSCL, thậm chí cả miền Đông Nam bộ. Tuy nhiên, thời điểm này cố gắng lắm cơ sở chỉ mua khoảng 6-7 tấn/ngày, mặc dù giá bưởi đã giảm sâu…

Giải pháp lúc này được các cơ sở kinh doanh trái cây ở ĐBSCL áp dụng là đẩy mạnh tiêu thụ bưởi da xanh ở thị trường nội địa. Song, do nhiều loại trái cây cũng đang ùn ùn đưa ra các chợ, khiến việc tiêu thụ nội địa cũng không được cải thiện nhiều. “Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL, các hợp tác xã, nông dân… tiến hành xây dựng mã số vùng trồng bưởi da xanh, truy suất nguồn gốc, nhằm đáp ứng những điều kiện cần thiết để xuất khẩu bưởi da xanh sang châu Âu và các thị trường khác; từ đó giảm áp lực xuất quá nhiều vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới”, ông Đàm Văn Hưng, Chủ cơ sở kinh doanh trái cây Hương Miền Tây, cho biết.

Về lâu dài là vậy, thế nhưng cái khó trước mắt là rất nhiều vườn bưởi da xanh ở các tỉnh ĐBSCL đã quá ngày thu hoạch, một số nơi bưởi chín đầy vườn, nhưng việc tiêu thụ rất chậm. Đáng lo hơn là tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp, nhiều vườn bưởi bị nước mặn tấn công, có nguy cơ thiệt hại lớn. Ông Đào Văn Minh, ở xã Quới Sơn, huyện Châu Thành (Bến Tre), than thở: “Tôi đã chạy nhờ lãnh đạo hợp tác xã bưởi da xanh Bến Tre hỗ trợ đầu ra cấp bách trong giai đoạn khó khăn. Song song đó, tiến hành hái bỏ hàng loạt trái bưởi nhỏ để cây nhẹ bớt, không bón phân… nhằm tránh nguy cơ bị chết cây do nước mặn tấn công”.

Các chuyên gia về nông nghiệp cũng khuyến cáo nông dân trồng bưởi da xanh ở Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang… những khu vực đang bị nước mặn bao vây thì phải theo dõi chặt chẽ độ mặn, khi mặn giảm ở mức cho phép sẽ tranh thủ lấy nước vào dự trữ để tưới cho vườn bưởi. Ngoài ra, nên “hy sinh” bằng cách cắt bỏ vụ bưởi hiện nay, giảm số lượng trái trên cây càng nhiều càng tốt, để giúp cây nhẹ bớt, không phải nuôi trái lúc này.

Nhiều nông dân trồng bưởi da xanh ở ĐBSCL nhận định, nếu so với đợt hạn mặn dữ dội vào năm 2016 thì đợt hạn mặn hiện nay khó khăn hơn rất nhiều, bởi cùng lúc bị thêm dịch bệnh Covid-19, làm cho đầu ra của trái bưởi bị ách tắc…

Nguồn: Báo Hậu Giang

 

 

Đầu vụ, ớt rớt giá  (22/02/2020)

Mới vào đầu vụ nhưng giá ớt xuống thấp khiến người trồng lâm vào cảnh lao đao.

Sau hơn 3 tháng xuống giống đến thời điểm này, người trồng ớt ở huyện Bình Sơn – vựa ớt lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi đã bắt đầu bước vào thời điểm thu hoạch lứa ớt đầu tiên.

So với những năm trước, người trồng ớt đánh giá vụ ớt năm nay năng suất cao hơn hẳn, tuy nhiên họ không mấy vui mừng vì giá bán khá thấp.

Thông thường hàng năm, cứ vào đầu vụ, giá ớt dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/kg thậm chí có thời điểm lên đến 40.000 đồng/kg. Hiện nay, ớt xanh và ớt đỏ tại Bình Sơn đang được các thương lái thu mua với giá từ 8.000 – 9.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp kỷ lục so với những năm gần đây.

Ông Võ Văn Trọng (trú xã Bình Nguyên) cho biết, gia đình ông năm nay trồng 2 sào ớt và đang trong thời gian thu hoạch. Từ khi xuống giống đến nay, tính sơ qua chi phí đầu tư từ phân bón, thuốc men, giống thì mỗi sào cũng mất khoảng trên 3 triệu đồng/sào. Sản lượng mỗi sào trung bình khoảng 1 tấn và giá ớt là 8.000 đồng/kg thì cũng chỉ được 8 triệu đồng.

“Trong khi đó, mỗi sào ớt như thế mà thuê người thu hoạch thì mất đến 80 ngày công. Tính trung bình mỗi ngày công là 250.000 đồng thì mất đến 20 triệu tiền công rồi. Sau khi trừ thêm chi phí đầu tư nữa là thua lỗ. Vậy nên hiện nay nhà tôi phải tự hái để lấy công bù lỗ, vớt được chừng nào hay chừng đó”, ông Trọng nói.

Do vụ ớt năm ngoái giá cao, người trồng có lãi nên năm nay bà con nông dân lại Bình Sơn mở rộng diện tích. Trong khi đó, mỗi vụ ớt thường có thời gian thu hoạch từ 3 – 4 tháng nên nếu ớt vẫn không lên giá thì xem như vụ này họ vừa tốn công sức, thời gian vừa không mang lại hiệu quả.

Thấy thời điểm năm ngoái giá cao, nên năm nay bà Võ Thị Hồng (trú xã Bình Nguyên) cũng quyết định đầu tư trồng 2 sào ớt. “Chắc là do hiện nay Trung Quốc đang bị dịch bệnh Covid-19, lượng ớt xuất qua còn chưa được nhiều nên giá mới xuống thấp như vậy. Hy vọng thời gian tới, dịch bệnh được kiểm soát, bên đó thu mua nhiều hơn sẽ tăng giá trở lại để người trồng như chúng tôi có lãi”, bà Hồng nói.

Theo anh Lâm Hiền, một thương lái chuyên thu mua ớt thì từ trước tới nay, ớt được gia đình anh thu mua về chủ yếu là xuất qua thị trường Trung Quốc. Những lúc cao điểm, mỗi ngày anh thu mua được khoảng 4 – 5 tấn ớt để xuất đi. Năm nay do chưa xuất qua thị trường Trung Quốc, chỉ tiêu thụ trong nội địa nên lượng thu mua giảm xuống còn ¼.

“Một số thương lái lớn hiện nay vẫn thu mua ớt rồi cấp đông để chờ thời điểm thuận lợi để xuất khẩu. Tôi có nghe thông tin là tới đây sẽ có xe về nhập ớt để xuất qua Trung Quốc. Cũng mong xuất qua được để giúp đỡ cho bà con nông dân. Chứ khoảng 10 ngày nữa, ớt đến thời điểm thu hoạch rộ mà không có đầu ra thì rất khó khăn”, anh Lâm cho biết.

Ông Phạm Hồng Nguyên, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Bình Sơn cho biết: “Toàn huyện Bình Sơn có khoảng gần 490ha trồng ớt. “Năm ngoái giá ớt còn được từ 15.000 – 20.000 đồng/kg chứ năm nay giá thấp, chỉ còn 7.000 – 8.000 đồng/kg. Trước tình hình này thì huyện cũng đã có mời doanh nghiệp đến để liên kết, tiêu thụ ớt, giúp bà con nông dân”.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

 

 

Nông dân phấn khởi khi mía được giá cao  (22/02/2020

Do đây là thời điểm nắng nóng, nhu cầu ép mía làm nước giải khát tăng mạnh khiến mía chục được thu mua nhiều, giá bán tăng mạnh.

Vào thời điểm này, nhiều nông dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đang thu hoạch mía để bán mía chục. Do đang vào thời điểm nắng nóng, mía chục được thương lái thu mua nhiều để bán cho các cơ sở ép làm nước giải khát nên giá bán tăng mạnh, đem lại thu nhập cao cho nông dân.

Hiện thương lái vào tận nơi thu mua với giá 1.500 đồng/kg mía. Với giá thu mua này, sau khi trừ hết chi phí, người trồng mía có thu nhập gần 10 triệu đồng/công mía.

Theo ông Trần Văn Tuấn - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp: Vài năm trở lại đây, do các nhà máy đường thường thu mua mía với giá thấp nên ở những khu vực phù hợp nông dân đã chủ động chuyển sang trồng giống mía ROC 16 chín sớm bán theo hình thức mía chục để làm nước giải khát. Sau khi thu mua, mía chục sẽ được thương lái chuyển về các tỉnh, thành khác để bán cho các cơ sở ép nước giải khát.

Do liên tiếp thua lỗ nên vụ mía năm nay, nông dân trong huyện Phụng Hiệp mới gieo trồng được khoảng 4.500 ha, đạt gần 70% so với kế hoạch đề ra, trong số này có khoảng 50% là giống mía ROC 16./.

Nguồn: Vov.vn

 

 

Người nuôi điêu đứng vì cá rớt giá  (22/02/2020)     

Gặp khó về đầu ra nên nhiều tháng nay giá cá liên tục giảm, hiện đang ở mức thấp, khiến không ít người nuôi điêu đứng, lo lắng, thậm chí treo ao. Thua lỗ khiến nhiều người nuôi cá nản lòng.

Nhiều hộ nuôi cá cho hay, khoảng 2 năm trước giá cá ở mức khá cao nên nhiều người nuôi phấn khởi và đã không ít người đào ao thả cá. Tuy nhiên, hơn nửa năm qua, giá cá sụt giảm liên tục, một số nơi đã phải treo ao vì thua lỗ.

Chú Nguyễn Văn Bảy (xã Chánh An- Mang Thít) cho biết, năm ngoái cá tra được giá, người dân đổ xô nuôi dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung. Trong khi đó, xuất khẩu cá tra năm nay đã chững lại. Tôi còn 2 ao cá gần đến ngày thu hoạch, với giá 17.000- 18.000 đ/kg là lỗ nặng rồi”.

Có vài chục tấn cá tra sắp tới thời gian thu hoạch, anh Huỳnh Thanh Tuấn- Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Huỳnh Tuấn (xã An Bình- Long Hồ) cho hay, hợp tác xã có 12 xã viên, sản lượng khoảng 850 tấn/năm, chủ yếu là cá điêu hồng, cá tra, cá chép giòn,... Hiện nay nuôi cá liên tục gặp khó, rủi ro cao.

Trong khi xuất khẩu đang vướng khó thì các nhà máy cũng ưu tiên thu hoạch cá trong vùng nuôi của doanh nghiệp và thu mua theo hợp đồng liên kết với các hộ nuôi cá có quy mô lớn chứ không còn thu mua hộ nuôi nhỏ lẻ.

“Tôi có nuôi thử nghiệm vài chục tấn cá tra cung cấp cho công ty để xuất khẩu nhưng giá như hiện tại thì cầm chắc lỗ. Hiện tôi đã cắt mồi, giảm cho ăn lại, mong thời gian tới, giá sẽ nhích hơn”- anh Tuấn chia sẻ.

Ông Mai Bá Đẳng- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp- PTNT) cho biết, với giá cá tra như hiện nay khoảng 18.000- 19.000 đ/kg. Từ giữa năm 2019, giá cá đã giảm dần và hiện đã ở mức dưới giá sàn.

Nguyên nhân giá giảm là do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến đầu ra gặp khó bởi thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc. Đồng thời, việc phát triển nuôi cá quá nhanh với diện tích nuôi thả lớn, trong khi giá cả thị trường tuột dốc khiến người chăn nuôi không trụ nổi.

Không chỉ riêng mặt hàng cá tra, giá cá điêu hồng cũng khiến nhiều người điêu đứng. Với mức giá 28.000- 30.000 đ/kg, người nuôi cũng chịu thua lỗ từ 3.000- 4.000 đ/kg.

Hợp tác xã thủy sản Huỳnh Tuấn cũng hiện có 110 bè đang nuôi cá điêu hồng, do giá thấp nên đã có 40- 50 bè ngưng nuôi, treo bè.

Anh Tuấn cho biết thêm: “Tuy giá tại bè thấp song giá cá tại chợ vẫn ở mức cao từ 40.000- 45.000 đ/kg, do thương lái ép giá khiến người nuôi lẫn người tiêu dùng thiệt thòi. Hợp tác xã cũng đã cung cấp mặt hàng cá cho Siêu thị Co.opmart, Vincom tuy nhiên số lượng không nhiều, chỉ 30- 40 kg/ngày”.

Treo ao, nuôi cầm chừng, neo cá lại chờ giá lên,... là tình trạng của nhiều hộ nuôi cá hiện nay. Tuy nhiên, theo nhiều người càng kéo dài càng lỗ thêm bởi tốn thức ăn, chi phí chăm sóc, dịch bệnh nhiều hơn, chất lượng cá cũng giảm.

“Giá thấp, nhiều người nuôi không chịu nổi bởi vốn nuôi cá tra rất nặng, nếu không bán được, neo lại mỗi ngày tốn chi phí thức ăn vài trăm triệu đồng”- chú Bảy cho biết thêm.

Theo anh Huỳnh Thanh Tuấn, hiện nay chất lượng con giống đang là vấn đề khiến người nuôi lo lắng. Giống cá điêu hồng hiện ở mức 17.000- 19.000 đ/kg, giống cá tra hiện ở mức 19.000- 20.000 đ/kg, nhưng tỷ lệ hao hụt khá cao, tỷ lệ sống chỉ ở mức 40- 50%.

Đưa cho chúng tôi xem tin nhắn từ một công ty chào hàng thủy sản giống nhập từ Thái Lan về đến sân bay Tân Sơn Nhất với mức giá 700 đ/con (5.000 con/kg), anh Tuấn nói thêm: “Tính ra 1 kg cá giống quá cao, khoảng 3,5 triệu đồng/kg, lại chưa biết mức độ hao hụt ra sao nên không dám mạo hiểm”.

Bên cạnh chất lượng giống, thì kỹ thuật nuôi, chất lượng nước cũng là yếu tố quan trọng làm ảnh hưởng chất lượng cá. Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, hiện nay, số bè, ao nuôi cá tăng nhiều. Nuôi mật độ dày, khiến nguồn nước bị ô nhiễm, cá bệnh nhiều, chậm lớn, làm kéo dài thời gian nuôi khiến chi phí tăng thêm.

“Dự đoán thời gian tới mặt hàng thủy sản sẽ còn tiếp tục gặp khó do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường cũng “ăn” chậm hơn, xuất khẩu cũng khó hơn. Trong khi đó, cá tra, cá điêu hồng chưa có vùng nuôi an toàn, khiến chất lượng cá chưa đồng đều”- anh Huỳnh Thanh Tuấn cho hay.

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, để hạn chế tình trạng hao hụt nhiều trong quá trình nuôi thì người nuôi nên vệ sinh ao thật kỹ, chọn nguồn giống thật chuẩn, thả mật độ thưa và cần phát triển nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với bảo vệ môi trường để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Đồng thời, để tránh tình trạng cung vượt cầu, thương lái ép giá, không nên nuôi cá tràn lan, ưu tiên trong tổ hoặc tổ hợp tác, đồng thời phải có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hạn chế nuôi ngoài quy hoạch.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết, thủy sản được nuôi nhiều ở Long Hồ, Mang Thít, Trà Ôn, Bình Tân. Tuy nhiên, sản xuất thủy sản trong thời gian gần đây chưa có dấu hiệu khởi sắc. Giá nhiều loại thủy sản giảm, người nuôi không có lời. Trong khi đó, số lượng ao sắp thu hoạch còn rất nhiều, do đó, nhiều ao nuôi cầm chừng. Hiện toàn tỉnh có 329ha nuôi cá tra, trong đó, tháng 2 thu hoạch 17ha với sản lượng khoảng 4.700 tấn, tháng 3 sẽ thu hoạch 11,6ha với sản lượng khoảng 3.000 tấn

Nguồn: Báo Vĩnh Long


Tin liên quan

Danh mục