A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi ở Long Điền B

Do xác định nông nghiệp là chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, Hội Nông dân huyện Chợ Mới đã phát huy vai trò của mình, tích cực tuyên truyền vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng màu và cây ăn trái. Tính đến nay, trên địa bàn xã Long Điền B có 192ha đất trồng cây ăn trái với 461 hộ (chủ yếu trồng xoài, mít, cam, bưởi, chanh, sầu riêng). Việc chuyển đổi cây trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, các hộ nông dân ổn định cuộc sống, vươn lên khá, giàu.

Để khai thác tốt tiềm năng thế mạnh, tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp của địa phương, UBND xã đã xây dựng các Nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển trồng trọt và chăn nuôi; Hội Nông dân cùng các ban ngành đoàn thể vận động, khuyến khích người nông dân mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như  Mô hình chuyển đổi  đất trồng lúa kém hiệu quả sang vườn của chú Cao Văn Nhẹ ở ấp Long Quới 2. Chú Nhẹ cho biết: “Tôi trồng chanh tứ quý, năng suất bình quân mỗi năm thu hoạch từ 3 đến hơn 5 tấn trên 1 công. Năm nay trúng mùa  được 15 tấn. So với trồng lúa, lợi nhuận gấp 5-6 lần,. Lợi nhuận từ 40-80 triệu đồng/năm”.

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, xã đã phối hợp với  Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật… tổ chức các lớp tập huấn nhằm chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Đến nay, có 1.057 nông dân được xét chọn nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở các cấp. Trên địa bàn xã có 1 nông dân giỏi thực hiện mô hình “sản phẩm an toàn” với diện tích là 3ha (trồng thanh long) đã được cấp giấy chứng nhận và đăng ký thương hiệu sản phẩm. Đây là tiền đề để Hội Nông dân xã tiếp tục vận động nông dân tham gia vào tổ hợp tác, câu lạc bộ nông dân, đẩy mạnh sản xuất cây ăn trái theo hướng an toàn theo chương trình OCOP và tiêu chuẩn VietGAP.

Ông  Nguyễn Minh Hậu - Phó Ban nông nghiệp xã cho biết: Trước đây, nông nghiệp của xã chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu vào cây lúa. Từ khi thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Nếu như  năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 38 triệu đồng/năm thì đến năm 2019 đạt hơn 48,54 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2016 là 3,12 đến năm 2019 giảm còn 1,69%”.

Tin rằng từ sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền và sự chủ động của mỗi người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ tiếp tục mở thêm hướng đi mới cho người dân bởi hiệu quả kinh tế cao này sẽ giúp cho cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng sung túc hơn.

Thu Trang - Hồ Toàn (Đài TT Chợ Mới)

 

 


Tin liên quan