A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập huấn online: Bồi dưỡng chuyên sâu cho lực lượng chuyên trách lúa gạo

Ngành lúa gạo có vị trí quan trọng đối

Tập huấn online: Bồi dưỡng chuyên sâu cho lực lượng chuyên trách lúa gạo

Tập huấn online: Bồi dưỡng chuyên sâu cho lực lượng chuyên trách lúa gạo

Ngành lúa gạo có vị trí quan trọng đối với sự phát triển nông nghiệp và nông thôn, đóng góp cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ảnh hưởng đến đời sống của số đông nông dân, an sinh và ổn định xã hội và là ngành có lợi thế về điều kiện sinh thái gắn với các giá trị văn hóa và di sản của nền văn minh lúa nước lâu đời. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành lúa gạo đang đứng trước các thử thách do hiệu quả thấp, thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường và do tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt ở những vùng sản xuất lúa trọng điểm, giá xuất khẩu và khả năng cạnh tranh chưa cao chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường nội địa và quốc tế, hiệu quả sản xuất và kinh doanh còn thấp, chưa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị, sản xuất lúa gạo chưa bền vững còn nhiều rủi ro trong sản xuất và kinh doanh, quy trình canh tác đã được nghiên cứu triển khai tuy nhiên việc áp dụng mở rộng trong sản xuất còn hạn chế.

Một số nguyên nhân của hạn chế: khâu sản xuất, khâu thu hoạch, chế biến, công tác thị trường và xúc tiến thương mại, hạ tầng, liên kết và thể chế chính sách; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, bão, lũ lụt và sâu bệnh hại, tác động của dịch bệnh covid 19; quy mô sản xuất lúa trên hộ gia đình nhỏ,…

Thực hiện theo quyết định số 698/QĐ-SNNPTNT ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang về việc ban hành Kế hoạch thực hiện phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2021. Trung tâm Kỹ thuật – Dịch vụ Nông nghiệp đã tổ chức 01 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu cho lực lượng chuyên trách nhóm sản phẩm lúa gạo (mã lớp NN-B1) cho cán bộ chuyên trách ở các huyện thị thành của tỉnh, từ ngày 01/11/2021 đến ngày 05/11/2021.

Trong bối cảnh dịch covid-19 còn diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn cho giảng viên và học viên nên đã tổ chức tập huấn online thông qua phần mềm LMSOnline (của tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel). Về giảng viên của lớp tập huấn, Trung tâm Kỹ thuật – Dịch vụ Nông nghiệp đã mời các chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và kỹ thuật sản xuất lúa gạo, có TS. Nguyễn Thị Mỹ Phụng, Ths. Trương Kiến Thọ, KS. Nguyễn Văn Hiền, Ths. Nguyễn Thị Lê, Ths. Cao Vĩnh Thông cùng lực lượng cán bộ phụ trách lúa gạo có kinh nghiệm của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và Trung tâm Kỹ thuật – Dịch vụ Nông nghiệp. Các giảng viên đã cung cấp cũng như cập nhật các kiến thức, kỹ năng về các tiêu chuẩn cần đạt cho sản phẩm lúa gạo; kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP, những vấn đề đặc biệt lưu ý trong sản xuất lúa gạo hiện nay (khó khăn, thách thức, giải pháp đề xuất) cần khuyến cáo nông dân ngay làm thế nào để thay đổi tư duy người trồng lúa gắn với liên kết, quy trình cấp mã số vùng trồng lúa những vấn đề trọng tâm cần thực hiện ngay,  đặc biệt thông qua lớp tập huấn các giảng viên và học viên đã thảo luận và đề ra giải pháp về tổ chức sản xuất trong tình hình dịch bệnh covid-19 và liên kết tiêu thụ theo chuỗi.

Hình ảnh: Giảng viên chia sẻ các biện pháp áp dụng để nâng cao hiệu quả sử dụng nước

Mặc dù tập huấn trực tuyến, lớp vẫn chia nhóm để thảo luận các chuyên đề nhiệt tình và nghiêm túc với sự điều hành của giảng viên và sự hỗ trợ của cán bộ quản lý lớp. Kết quả đánh giá cuối khóa 10/10 học viên đều đạt yêu cầu để cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học.

Phát biểu tại lớp tập huấn, một số học viên đã đánh giá khóa tập huấn thực sự rất hữu ích, nội dung hay, thời sự, đáp ứng được mong đợi của học viên trong tình hình dịch bệnh hiện nay và các vấn đề cần khuyến cáo ngay cho nông dân sản xuất lúa gạo ở địa phương. Đồng thời học viên cũng đã có những ý kiến đóng góp để công tác dạy và học trực tuyến đạt chất lượng và mang lại hiệu quả hơn trong thời gian tới: Khắc phục các lỗi của phần mềm trong quá trình tập huấn đặc biệt là  kiểm tra cuối khóa, nếu có thể mỗi lớp đề xuất thực hiện, thực hành 01 mô hình đạt hiệu quả sau này từ các nguồn kinh phí hỗ trợ khác./.


Tin liên quan