A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin thị trường ngày 26/12/2019

Sôi động chợ cá thời giá thịt heo tăng  (26/12/2019)

Chưa bao giờ những gian hàng bán cá ở chợ Đầm Quy Nhơn (Bình Định) sôi động như hiện nay.

Hà Nội đảm bảo đủ nguồn cung thịt lợnTâm lý găm hàng khiến giá thịt lợn tăng caoTăng nguồn thực phẩm thay thế thịt lợn: Hải sản tươi ngon giá không tăng

Thời giá thịt heo “đắt như vàng”, những nhà nội trợ lập tức đổi khẩu vị cho cả gia đình. Các gian hàng cá luôn tấp nập người mua kẻ bán.

Sáng 25/12, chúng tôi dạo chợ Đầm Quy Nhơn. Chuyến dạo chợ này đã cho chúng tôi cảm nhận rõ hơn về sự chuyển biến của người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm cho những bữa ăn hàng ngày.

Chợ Đầm là ngôi chợ thí điểm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của TP Quy Nhơn với gần 100 hộ chuyên kinh doanh các ngành hàng thực phẩm như: Các loại thủy hải sản, thịt heo, bò, gà, vịt…

Thực phẩm kinh doanh trong chợ Đầm đều có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo. Các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm có sự kiểm soát và chứng nhận an toàn thực của cơ quan thú y. Do đó, chợ Đầm luôn là lựa chọn của những nhà nội trợ. Thời gian trước đây, các gian hàng bán thịt heo ở chợ Đầm nhộn nhịp vô kể, thế nhưng thời gian gần đây bỗng ế đến không tưởng, chủ các gian hàng bán thịt heo cả ngày ngồi ủ dột bởi chẳng mấy ai đến mua.

Chị Lê Thị Liễu, chủ gian hàng bán thịt heo an toàn thực phẩm ở chợ Đầm, buồn bã cho hay: “Trước đây mỗi ngày tôi bán hơn 100kg thịt heo, chỉ từ sáng đến trưa là hết sạch bách. Còn bây giờ mỗi ngày lấy có mấy chục ký mà bán đến chiều vẫn còn. Không chỉ mình gian hàng của tôi, tất cả các gian hàng bán thịt heo trong chợ đều ế ẩm tương tự. Giá thịt heo quá đắt, cao gần gấp 3 lần so với trước khiến người tiêu dùng không còn ngó ngàng đến. Số lượng người mua thịt heo giảm mất 8 phần”.

Trong khi các gian hàng thịt heo “vắng như chùa Bà Đanh” thì các gian hàng bán cá lại tấp nập, nhộn nhịp vô kể. “Trước đây tôi thường mua thịt heo là do thói quen. Bây giờ thịt heo đắt quá thì tôi mua cá, chồng con tôi ăn cá riết rồi cũng quen, thấy ngon miệng. Cá thì có rất nhiều loại, mặc sức cho mình lựa chọn để đổi món. Ăn cá vừa rẻ lại vừa nhiều dinh dưỡng, lợi cả đôi bề”, chị Dương Thị Cảnh, ở phường Thị Nại (TP Quy Nhơn, Bình Định), bộc bạch.

Chị Phan Thị Kim Khánh, chủ gian hàng số 23 chuyên bán các loại thủy hải sản tại chợ Đầm Quy Nhơn, cho biết: “Giá các loại cá tại thời điểm này không đắt hơn thời gian trước đây chút nào. Giá cá bớp nguyên con từ 5kg trở lên vẫn 150.000đ/kg, còn nếu mua thịt không có đầu có đuôi thì giá 220.000đ/kg. Giá cá ngừ loại 1 vẫn 70.000đ/kg, cá ngừ chất lượng thấp hơn chỉ từ 40.000đ – 60.000đ/kg. Cá đổng giá 60.000đ/kg, cá chẽm to 100.000đ/kg, cá chẽm nhỏ 70.000đ – 80.000đ/kg. Cá dìa thì tùy loại, từ 100.000đ – 150.000đ/kg, cá dìa đánh bắt ở sông có giá cao nhất. Nói chung giá các loại cá vẫn giữ nguyên như trước đây”.

Ngoài những gian hàng cá đăng ký bán trong chợ, cá còn được bày bán cả bên ngoài, lúc nào cũng đông đúc người mua. Điều này cho thấy người tiêu dùng đã không còn lệ thuộc vào thói quen sử dụng thịt heo như trước mà đã nhanh chóng xoay chuyển thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày một cách hợp lý.

 “Năm nay thời tiết thuận lợi nên sản lượng khai thác biển tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nguồn cung các loại thủy hải sản rất dồi dào nên giá bán không tăng.

Chỉ tính 9 tháng đầu năm 2019, sản lượng khai thác thủy sản đạt 203.630 tấn, tăng 5,2% so cùng kỳ; trong đó sản lượng khai thác cá ngừ đại dương đạt 9.608 tấn, tăng 8,2% so cùng kỳ”, ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, cho hay.

Nguồn: Báo nông nghiệp Việt Nam

 

 

Vụ lúa đông xuân 2019 - 2020: Nguy cơ thương lái tháo chạy  (26/12/2019)

Tại tỉnh Long An, qua các mùa lúa gần đây cho thấy, số lượng doanh nghiệp ký liên kết thu mua lúa cho nông dân ngày càng thưa thớt. Và dự báo vụ lúa đông xuân 2019-2020, tình hình mua bán lúa sẽ rất khó khăn cho nông dân.

Đến nay, toàn tỉnh Long An gieo sạ hơn 203.000ha lúa đông xuân 2019 - 2020, đạt 89,7% kế hoạch (227.260ha). Hiện, một số địa phương đã bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân sớm.

Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 12/2019, mới chỉ có 5 doanh nghiệp và 1 hợp tác xã tham gia cánh đồng lớn với kế hoạch đăng ký thu mua lúa cho nông dân hơn 1.770ha.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Long An, vụ đông xuân 2018 - 2019, trên địa bàn tỉnh có 27 doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết xây dựng 115 lượt cánh đồng lớn với 3.605 hộ tham gia; diện tích thu hoạch hơn 10.900ha.

Tuy nhiên, khi nông dân thu hoạch lúa, đã có một nửa số doanh nghiệp này “bỏ của chạy lấy người”. Diện tích thu mua theo hợp đồng liên kết chỉ hơn 7.800ha.

Vụ hè thu năm 2019, có 26 doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết xây dựng cánh đồng lớn với 94 lượt cánh đồng, đăng ký diện tích hơn 7.900ha với 2.703 hộ tham gia. Đến nay, đã thu hoạch 7.770ha, các doanh nghiệp mới thu mua diện tích hơn 5.100ha. Diện tích lúa thu hoạch còn lại nông dân buộc phải bán ra ngoài.

Nguyên nhân, một số nông dân tự ý lấy cọc bên ngoài khi chưa tới thời điểm chốt giá thu mua theo hợp đồng. Một số trường hợp nông dân sau khi ký biên bản chốt giá thu mua với công ty nhưng khi thương lái vào trả giá cao hơn đã bán cho bên ngoài.

Song song đó, một số doanh nghiệp khi thấy giá lúa bất ổn đã tháo chạy, “lật kèo” nhà nông, không mua hết sản lượng lúa theo hợp đồng.

Tại Long An vụ lúa đông xuân này đang khá thưa thớt thương lái đăng ký mua lúa cho bà con nông dân.

Hiện, trên địa bàn huyện Tân Hưng, một số diện tích vụ đông xuân 2019 – 2020 (trong số 37.000ha được gieo sạ) đang thu hoạch.

Tuy nhiên, vì tranh thủ gieo sạ sớm nên gặp điều kiện thời tiết bất lợi, số diện tích đang thu hoạch đã cho năng suất và lợi nhuận không cao.

Được biết, phần lớn số diện tích đã cho thu hoạch đều là giống nếp và được thương lái bao tiêu với giá từ 5.450 - 5.500 đồng/kg, năng suất đạt từ 5,5 - 6 tấn/ha. Trừ chi phí, nông dân thu lợi nhuận không cao, chỉ từ 8 - 12 triệu đồng/ha.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Tô Văn Chảnh cho biết, vụ đông - xuân 2018-2019, trên địa bàn có 13 đơn vị doanh nghiệp tham gia thu mua lúa với diện tích liên kết 2.764,9ha.

Đến vụ hè thu 2019, chỉ còn 5 đơn vị doanh nghiệp tham gia thu lúa với diện tích liên kết hơn 2.090ha.

“Việc liên kết đã gặp khó khăn và khó nhân rộng vì thay đổi quy định về doanh nghiệp xuất khẩu lúa, gạo không bị ràng buộc về nguồn gốc sản phẩm, vùng nguyên liệu. Phần lớn các doanh nghiệp đã quay lại phương thức thu mua truyền thống qua “cò” và thương lái”, ông Chảnh chia sẻ.

Tổng kết đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Long An cho thấy, 9 tháng đầu năm 2019, tình hình tiêu thụ nông sản còn khó khăn, chưa ổn định, giá các nông sản, trong đó có lúa, thấp hơn so với cùng kỳ. Một số mô hình cánh đồng lớn còn tình trạng không tuân thủ hợp đồng liên kết.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Nguyễn Chí Thiện, tỉnh đang kêu gọi doanh nghiệp tăng cường thu mua lúa cho nông dân.

Nguồn: Dân Việt

 

 

Mai kiểng Tết Canh Tý bán sớm, người trồng cười tươi thu chục tỉ đồng  (25/12/2019)

Các làng mai kiểng ở TX.An Nhơn (Bình Định) tất bật thay chậu, chuyển mai ra ven đường để bán cho khách xuôi Nam ngược Bắc. Chưa đến Tết Canh Tý nhưng số lượng mai đã bán thu về cả chục tỉ đồng.

Ông Nguyễn Trí Dũng (Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Nhơn An, TX.An Nhơn, Bình Định) cho biết: “Còn cả tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhưng hổm rày khách hàng khắp cả nước đến mua mai kiểng sớm hơn mọi năm và mua mai nguyên lá để chở đi chứ không phải mua mai đã lặt lá như những năm trước.

Đến thời điểm 25.11 âm lịch, các làng nghề trồng mai Háo Đức, Thanh Liêm, Trung Định, Thuận Thái… đã bán số lượng lớn thu về trên 10 tỉ đồng rồi. Trong đó, có hộ thu từ 400 triệu đến gần 1 tỉ đồng".

Ông Dũng cho hay hiện nay, khu vực Bàu Sấu (phường Nhơn Hưng) đã hình thành chợ mai kiểng và có trên 20.000 chậu mai đủ mọi kiểu dáng tập kết, giới thiệu và bán cho khách hàng có nhu cầu.

Theo ông Dũng, diện tích trồng mai kiểng của 7/7 thôn trong xã lên đến 69,4 ha với trên 1 triệu chậu, trong đó mai tạo dáng chiếm 97,7%, mai bonsai chiếm 1,8% và mai lùm chiếm 0,5%. So với mọi năm, thời tiết năm nay thuận lợi hơn nên mai phát triển đồng đều và tốt, nụ dày, lượng mai kinh doanh dự tính xuất bán có thể gấp rưỡi so với năm ngoái.

Dạo quanh các nhà vườn trồng mai ở xã Nhơn An, chúng tôi thấy rất đông lao động vừa kiểm tra lại dáng từng chậu mai, vừa bứng mai trong chậu xi măng chuyển sang chậu sứ, hoặc chậu xi măng lục giác trang trí khá bắt mắt rồi thuê xe chở đến chợ mai Bàu Sấu trưng bày, bán cho khách hàng.

Anh Nguyễn Trí Quang, một khách hàng ở Huế vào mua mai ở xã Nhơn An, cho biết: “Sau rằm tháng 11 tôi đã vào Bình Định lùng mua mai rồi, điểm tôi chọn là vùng mai vàng xã Nhơn An và Nhơn Phong của thị xã An Nhơn, đặt mua được 400 chậu mai 5 năm tuổi nguyên lá, giá 700 ngàn đồng/chậu. Tùy theo thời tiết ngoài đó mà mình chủ động quyết định lặt lá sớm hay muộn để mai nở đúng Tết”.

Không chỉ các nhà vườn ở xã Nhơn An, 291 hộ trồng mai kiểng ở xã Nhơn Phong cũng khá bận rộn với vụ mai Tết Canh Tý. Theo ông Nguyễn Thuận Mậu, Chủ tịch UBND xã Nhơn Phong, tổng số mai kiểng các hộ trên địa bàn xã trồng là hơn 300 ngàn chậu. Tết năm ngoái toàn xã thu tiền bán mai hơn 17 tỉ đồng, năm nay lượng mai tăng hơn, ước thu cũng từ 25 - 30 tỉ đồng. Đã có 6 hộ vừa bán mai nguyên lá thu về hơn 4 tỉ đồng, trong đó có hộ thu 2 tỉ đồng.

Theo báo cáo của UBND thị xã An Nhơn, có 11/15 xã, phường với 1.494 hộ tham gia trồng mai kiểng trên diện tích hơn 145 ha, số lượng trên 1,47 triệu chậu (bình quân 1 hộ trồng 989 chậu). Số hộ trồng mai kiểng nhiều nhất ở xã Nhơn An với 689 hộ, xã Nhơn Phong 291 hộ, xã Nhơn Hạnh 122 hộ, phường Nhơn Hưng 135 hộ, xã Nhơn Hậu 117 hộ…

Doanh thu từ mai kiểng là 85,9 tỉ đồng/năm, chiếm 9,8% cơ cấu giá trị trồng trọt. Hiện thị xã đang xây dựng và triển khai Đề án “Sản xuất, phát triển cây mai vàng Nhơn An” giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030, với mục đích nâng cao giá trị cây mai kiểng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Nguồn: Báo Thanh Niên

 

 

Giá tiêu duy trì ở mức thấp từ 40.000- 42.500 đồng/kg  (25/12/2019)

Giá tiêu tiếp tục đứng yên tại hầu hết các địa phương trồng tiêu trọng điểm Tây Nguyên và miền Nam. Giá tiêu thế giới tăng nhẹ.

Mức giá cao nhất ở ngưỡng 42.500 đồng/kg được ghi nhận ở Bà Rịa - Vũng Tàu, thấp nhất 40.000 đồng tại Đồng Nai và  Gia Lai.

Cụ thể, giá tiêu tại Bình Phước ổn định, dao động trong ngưỡng 41.500 đồng/kg. Giá tiêu tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu  đi ngang ở  ngưỡng 42.000 đồng/kg.

Giá tiêu tại Đắk Nông (Gia Nghĩa) và Đắk Lắk (Ea H'leo), không đổi, dao động ở mức 41.000đồng/kg.

Giá tiêu tại Gia Lai và Đồng Nai đi ngang  ở mức 40.000đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất trong vùng trồng tiêu trọng điểm.

Xuất khẩu hồ tiêu sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn do giá ở mức thấp khi cung lớn hơn cầu và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới.

Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện có khoảng 100.000ha hồ tiêu cho thu hoạch với năng suất trung bình khoảng 24,7 tạ/ha, tương đương sản lượng khoảng 247.000 tấn.

Tuy nhiên, trong khi giá hồ tiêu vẫn ở mức thấp thì chi phí sản xuất hồ tiêu lại tăng vọt, khoảng 10% so với năm 2017.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018, giá tiêu giảm đã ảnh hưởng đến ngành hồ tiêu Việt Nam, thời gian tới, xuất khẩu hồ tiêu sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn do giá ở mức thấp khi cung lớn hơn cầu và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới.

Hiện nay, nhu cầu hồ tiêu trên thế giới khoảng 510.000 tấn/năm, bình quân mỗi năm chỉ tăng 2 - 3%, trong khi sản lượng hồ tiêu thế giới tăng 8 - 10%. Năm 2018, sản lượng hồ tiêu toàn cầu đạt 557.000 tấn, dự kiến đến hết năm 2019 đạt khoảng 602.000 tấn.

Dự báo đến 2050, sản lượng hạt tiêu thế giới sẽ tăng lên 1 triệu tấn và nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu thế giới cũng tăng lên, nhưng chưa cân đối với nguồn cung. Do đó, giá tiêu có thể còn mất ổn định trong một thời gian nữa.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu tháng 11 đạt 17 nghìn tấn, trị giá 40 triệu USD, giảm 0,3% về lượng và giảm 2,8% về trị giá so với tháng 10/2019, nhưng tăng 35,9% về lượng và tăng 3,1% về trị giá so với tháng 11/2018.

Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11 năm 2019, xuất khẩu hạt tiêu đạt 267,3 nghìn tấn, trị giá 674,27 triệu USD, tăng 21,4% về lượng, nhưng giảm 6,1% về trị giá so với 11 tháng năm 2018.

Tháng 11, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu đạt mức 2.353 USD/tấn, giảm 2,5% so với tháng 10/2019 và giảm 24,1% so với tháng 11/2018. Trong 11 tháng năm 2019, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu đạt mức 2.522 USD/tấn, giảm 22,7% so với 11 tháng năm 2018.

Hôm 25/12/2019 lúc 9h30, giờ Việt Nam, giá tiêu thế giới giao ngay tại sàn Kochi (Ấn Độ) tăng 365Rupi/tạ, tương đương 1,04%, lên mức 35.500Rupi/tạ. Giá tiêu giao tháng 12/2019 tăng 140 Rupi/tạ, tương đương 0,39% lên mức 35.640 Rupi/tạ. Giá hạt tiêu trên (sàn SMX - Singapore) tháng 9 vẫn ổn định ở mức 6.500 USD/tấn.

Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh xuất khẩu hồ tiêu tiếp tục đối diện nhiều khó khăn và sức ép cạnh tranh lớn thì các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã kí kết gần đây như CPTPP và EVFTA được đánh giá là cơ hội mở rộng xuất khẩu cho ngành hồ tiêu.

Đối với mặt hàng hồ tiêu, Hiệp định CPTPP có 9 nước cam kết xóa bỏ ngay lập tức thuế quan gồm Australia, New Zealand, Canada, Malaysia, Singapore, Brunei, Chile, Peru, Nhật Bản.

Riêng thị trường Mexico cam kết xóa bỏ thuế theo lộ trình 16 năm đối với mặt hàng hồ tiêu xanh. Đáng chú ý, trong các nước CPTPP, chỉ có Malaysia là nước có sản xuất hạt tiêu đáng kể, tuy nhiên, tỉ lệ xuất khẩu không nhiều, chỉ chiếm khoảng 3% lượng xuất khẩu toàn cầu.

Do vậy, Bộ Công Thương nhận định hồ tiêu Việt Nam có lợi thế cạnh tranh khá lớn trong các nước CPTPP.

Nguồn: Voh.com.vn


Tin liên quan

Danh mục