A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Câu chuyện về một doanh nhân thành đạt: Dương Xuân Quả

Sau khi học hết lớp 9, ông Dương Xuân Quả (Năm Nhã), ngụ Phú Hưng, Phú Tân, An Giang nghỉ học, về nhà làm ruộng nên có dịp gần gũi và thấu hiểu nỗi niềm của nông dân. Từ đó, ông Năm Nhã có suy nghĩ phải làm thế nào để góp phần giúp nông dân trồng lúa tăng lợi nhuận bằng cách giảm giá thành chi phí sản xuất; đồng thời nâng cao chất lượng hạt gạo để xuất khẩu.

Cùng với niềm say mê sáng chế, chế tạo cơ khí, ông Năm Nhã đã tìm tòi, học tập và năm 2003 bắt tay vào việc sáng chế máy sấy. Qua nhiều lần thất bại nhưng không nản chí, ông Năm Nhã tiếp tục học hỏi rút kinh nghiệm đến năm 2005 bắt đầu hoàn thiện máy sấy. Ông Năm Nhã tự nghiên cứu  hoàn thiện và sản xuất máy sấy lúa tiện lợi, hiệu quả, giúp giảm tổn thất sau thu hoạch, bảo đảm chất lượng với giá thành hạ, phục vụ bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp.  Năm 2014, ông Năm Nhã đưa sản phẩm lò sấy của mình tham dự cuộc thi Nhà sáng chế và đạt giải Nhất. Năm 2016, ông vinh dự được Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016 và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đã có thành tích trong lao động sản xuất, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.  Năm 2017, ông được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh An Giang. Năm 2018 ông Năm Nhã được vinh danh là “Ông vua lò sấy”.

Sau khi thành công lắp ráp lò sấy cải tiến, ông tiếp tục nghiên cứu và đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng lò sấy lúa tĩnh vỉ ngang tự động nhằm giảm chi phí nhân công, tăng lợi nhuận cho khách hàng gần 40% so với các lò sấy thông thường có cùng công suất. Sau khi thành công, ông Năm Nhã đã đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế đối với máy sấy và phương pháp sấy lúa được thực hiện bởi hệ thống sấy lúa tĩnh vĩ ngang.

Với mong muốn được giúp đỡ bà con nhiều hơn nữa, trong năm 2007 ông đã đứng ra thành lập doanh nghiệp tư nhân Năm Nhã, chuyên sản xuất, lắp ráp lò sấy cải tiến từ 1- 2 tấn đến 70 - 80 tấn/mẻ. Đến nay, doanh nghiệp của ông đã sản xuất, lắp ráp khoảng 5.000 lò sấy cho bà con nông dân trong nước và quốc tế, tổng số tiền thu về từ việc bán máy khoảng 20 tỷ/năm. Ngoài ra, chất lượng lò sấy càng ngày càng được cải tiến để giảm chi phí, giảm cơ giới hoá, chất lượng sản phẩm gạo sấy không đen, không gãy.  Cụ thể, cơ sở sấy công suất 150 tấn mỗi mẻ chỉ cần tối đa 3 người quản lý, điều hành. Chi phí sấy một tấn lúa với lò sấy thông thường của người dân khoảng 120.000 đồng, nay sấy máy chỉ còn 60.000 đồng, thời gian rút ngắn từ 12 giờ/mẻ lúa xuống còn 6 giờ/mẻ. Để không cứng nhắc trong việc chỉ chế tạo lò sấy lúa, ông tiếp tục nghiên cứu và nhận đơn đặt hàng lò sấy theo yêu cầu của khách hàng như: Lò sấy ớt, cà phê, nhãn, tiêu, tôm, cá, hải sản, thảo dược và nhiều nông sản khác.

Sau khi thành công trong việc chế tạo lò sấy, năm 2018 ông Năm Nhã bắt đầu nghiên cứu sản xuất, chế biến gạo sữa và được công nhận bằng sáng chế độc quyền về gạo sữa. Máy sấy gạo sữa do ông cải tiến ra có Kỹ thuật quan trọng nhất trong công nghệ sấy gạo sữa là để quạt nén gió đưa lên được phía trên, nén được gió nên chi phí sấy sẽ thấp nên, chất lượng gạo sữa chỉ còn độ ẩm 10%, lưu giữ được lâu. Mặt khác, ông thực hiện quy trình khép kín từ gieo giống đến thu hoạch, sấy đến nhà máy xay xát đến kho lưu trữ và cuối cùng là đến tiêu thụ.

“Về quy trình trồng lúa để làm gạo sữa, Tôi hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Tôi đã phân phối ra thị trường 25 tấn gạo sữa. Với việc nghiên cứu công nghệ sau thu hoạch và chế biến giúp hạt gạo (sữa) có mùi hương nhẹ, tỏa mùi thơm khi nấu; Cơm dẻo, thơm, hạt cơm săn chắc, hương vị đậm đà hơn so với các loại gạo đặc sản khác và đặc biệt là vẫn dẻo cơm khi để nguội đến 24 giờ sau khi nấu. Hiện tại, Tôi đang chào hàng sản phẩm gạo sữa và giới thiệu thông tin qua Mỹ”, ông Năm Nhã cho biết.

Để tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, ông Năm Nhã đã hợp tác với nông dân mở rộng thêm diện tích gieo trồng để có thêm nguồn nguyên liệu cung ứng chế biến gạo sữa do Công ty TNHH MTV công nghệ sau thu hoạch Dương Xuân Quả (Năm Nhã) thực hiện. Sắp tới sẽ đẩy nhanh tiến độ sản xuất gạo sữa theo mô hình cánh đồng lớn, có liên kết và bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân để mọi nhà đều có thể dùng được gạo ngon với mức giá hợp lý.

Với mong muốn truyền cảm hứng khởi nghiệp, đam mê sáng chế đến thế hệ trẻ, ông Năm Nhã  đã nhận lời làm diễn giả cho trường Đại học Cần Thơ trước 300 sinh viên năm 2016 và năm 2017 diễn thuyết trước 600 người ở Hà Nội, trong đó có 400 thanh niên. Ông đã mang hết những kiến thức, kinh nghiệm bản thân đã tích lũy để truyền đạt đến mọi người và thế hệ trẻ.

“Bản thân luôn mong muốn có thể giải quyết những cái của nông dân đang cần, giúp nông dân cải thiện sức lao động, nâng cao thu nhập. Ngoài ra, Tôi mong muốn lò sấy của mình được nhiều nơi biết đến để không chỉ nông dân Việt Nam mà nông dân các nước khác có thể thụ hưởng những thành tựu của khoa học kỹ thuật. Thương hiệu gạo sữa của Việt Nam có thể đáp ứng đủ nhu cầu của mọi người với mức giá hợp lý, có thể xuất ra nước ngoài để quảng bá sản phẩm nông nghiệp Việt Nam” ông Năm Nhã tâm sự.

 

 

Hương ly - Trung tâm Khuyến nông An Giang

 


Tin liên quan