A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Châu Thành: Nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao

Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Châu Thành luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là chuyển đổi từ diện tích đất trồng lúa nhỏ lẻ, kém hiệu quả sang các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp.               Điển hình như mô hình trồng nấm rơm trong nhà kính của anh Nguyễn Thanh Hà, ngụ ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú. Với diện tích gần 500m2 đất trống sau nhà, anh cất 8 nhà nấm, ủ rơm xen kẻ với nhau. Chính vì thế, mỗi ngày anh đều có nấm để thu hoạch. Hiện tại, trung bình mỗi ngày anh thu hoạch từ 30kg đến 50kg nấm rơm sạch. Giá bán dao động từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng/kg, anh thu về trên 2 triệu đồng mỗi ngày. Mô hình trồng nấm rơm của anh Hà  không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình mà còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn.

Mô hình trồng quýt đường của nông dân Tô Quốc Cường cũng cho thu nhập khá ổn định. Với diện tích 1ha đất trồng lúa. Những năm qua, giá cả bấp bênh, chi phí vật tư nông nghiệp tăng cao, sau mỗi vụ mùa lợi nhuận thu về không nhiều. Nắm bắt được chủ trương của địa phương về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Năm 2019, anh Cường đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trên sang trồng 1.200 gốc quýt đường. Với tính cần cù, chăm chỉ và siêng năng chịu khó của mình, anh Cường luôn tìm cách học hỏi kinh nghiệm, kiến thức, kỹ thuật chăm sóc quýt đường từ bạn bè, các nhà vườn ở huyện Lai Vung của tỉnh Đồng tháp, rồi tham khảo các sách, báo, tham gia tốt các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và thiết kế vườn do địa phương tổ chức. Từ những kiến thức đã học được, anh đã áp dụng tốt vào quá trình canh tác và chăm sóc vườn cây ăn trái của mình.

Với 1ha quýt đường, anh thu hoạch được năng suất trên 2 tấn, án với giá dao động từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/kg, anh Cường thu về số tiền trên 30 triệu đồng. Nhìn vườn quýt đường đang trĩu quả, anh cho biết sản lượng quýt sẽ tăng dần theo từng đợt thu hoạch và trung bình 2 tháng thu hoạch 1 đợt. Ngoài việc  thu về lợi nhuận từ vườn quýt đường, anh Cường còn tận dụng diện tích mặt nước xen kẻ các liếp để nuôi cá đồng với các loại như cá rô, cá lóc, … cũng mang về thu nhập vài triệu đồng cho mỗi đợt.

Nhiều bà con nông dân khác trên địa bàn huyện Châu thành cũng bén duyên với các mô hình chuyển đổi cây trồng và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, về lâu dài, mong rằng ngành nông nghiệp huyện Châu Thành và các ngành có liên quan tiếp tục giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm đầu ra cho nông sản. Từ đó giúp bà con nông dân phát triển kinh tế nông hộ, góp phần nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Minh Tân

 


Tin liên quan