A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin thị trường ngày 31/12/2019

 

Hậu Giang: Củ kiệu hút hàng  (31/12/2019)

Gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, củ kiệu là mặt hàng đang bày bán khá nhiều tại các chợ. Khoảng tuần nay, sức mua đã tăng do người dân bắt đầu mua kiệu tươi về để làm dưa, số lượng kiệu về chợ cũng dồi dào hơn. Tùy theo nhu cầu tiêu dùng gia đình nhưng trung bình mỗi người thường mua từ 2-4kg.

Giá kiệu vườn bán ra tại chợ nông thôn Vị Thanh là 20.000 - 22.000 đồng/kg, loại cắt bớt phần lá, lặt sơ có giá cao hơn khoảng 5.000 đồng/kg. Riêng kiệu Huế có giá 40.000 đồng/kg. Một số tiểu thương cho hay năm nay chất lượng kiệu Huế đồng đều, củ to, đẹp nên dù giá cao hơn kiệu thường vẫn bán chạy. Mức giá này không cao hơn năm trước nhưng nhiều người bán dự đoán giá còn thay đổi vì sức mua sẽ tăng cao từ đây đến rằm tháng Chạp.

Nguồn: Báo Hậu Giang

 

 

Giá heo hơi ngày cuối năm: Liên tục rớt giá!  (31/12/2019)

Heo hơi tại miền Bắc ngày cuối năm (31.12) đã tuột đến 5 giá so với thời điểm sốt, giá heo hơi trung bình của cả nước đã giảm sâu gần 10 giá trong 8 ngày qua.

Cụ thể, tại Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Yên, Thái Bình giảm 1.000 đồng xuống 93.000 đồng/kg. Giảm mạnh hơn ở Phú Thọ xuống 2 giá, heo hơi được bán ra 90.000 đồng/kg. Tại Hà Nam, Hà Nội, Tuyên Quang, Sơn La... giá heo hơi giảm nhẹ, dao động trong khoảng 88.000 - 92.000 đồng/kg, có nơi heo xấu, thương lái trả chỉ 86.000 đồng/kg. Tại các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Nam Định dao động trong khoảng 89.000 - 91.000 đồng/kg. Heo hơi cao nhất ghi nhận tại Ninh Bình với 95.000 đồng/kg.

Nhìn chung giá heo hơi trung bình tại thị trường phía bắc đã thiết lập mức thấp hơn thời điểm sốt giá từ 5.000 - 8.000 đồng. Mức giá heo trung bình của miền Bắc khoảng 90.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá heo hơi tại khu vực miền Trung và Tây nguyên chững lại, dao động từ 84.000 - 90.000 đồng/kg, cũng thấp hơn thời điểm sốt giá từ 5.000 đồng/kg.

Tương tự với miền Bắc, heo hơi tại miền Nam ngày cuối năm 2019 cũng tiếp tục giảm nhẹ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Heo hơi tại Cần Thơ, Kiên Giang và An Giang giảm 2.000 đồng, xuống 88.000 đồng/kg. Tại Bến Tre giảm còn 89.000 đồng/kg, Đồng Nai từ 90.000 - 91.000 đồng/kg. Các công ty chăn nuôi lớn giữ mức giá đã công bố trước đây: Heo hơi của C.P. Việt Nam giá 83.000 đồng/kg, Emivest 88.500 đồng/kg, CJ 88.000 đồng/kg.

Như vậy, kết thúc tuần cuối của năm, sau nhiều ngày rớt giá, giá heo hơi trung bình trên cả nước chỉ còn 87.000 - 88.000 đồng/kg. Thương lái ở vùng Đồng Nam bộ tính toán, tùy chất lượng heo, nhưng giá trung bình heo hơi trên toàn thị trường sau 8 ngày giảm gần 10 giá. Với mức giá hiện tại, người nuôi heo nếu có heo bán vẫn có thể lãi hơn gấp đôi.

Nguồn: Báo Thanh Niên

 

 

'Xứ ngàn cau' đau vì rớt giá  (31/12/2019)

Huyện miền núi Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) từ lâu được mệnh danh là “xứ ngàn cau”, cau là cây trồng mang lại thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, vụ năm nay, cau không chỉ rớt giá mà thậm chí còn không có người thu mua.

Huyện miền núi Sơn Tây cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 100 km về phía Tây. Tại đây, gần như hộ nào cũng trồng cau. Cau thuộc loại dễ trồng, quả chín rơi xuống tự mọc lên, không tốn công chăm bón, dễ thích nghi với môi trường, trồng ở đâu cũng sống và phát triển tốt. Những năm gần đây, cau trở thành mặt hàng xuất khẩu đã giúp nhiều hộ dân xóa đói, giảm nghèo.

Nếu như những năm trước, cau tươi có giá từ 18 - 25 nghìn đồng/kg, lúc cao nhất đến 33 nghìn đồng/kg, thì năm nay, cau rớt giá còn 5 nghìn đồng/kg, thậm chí, thời điểm hiện tại không có người thu mua cau.

“Những năm trước, khi vào vụ thu hoạch cau thì nhà nào cũng vui mừng, xóm làng nhộn nhịp như có hội. Thậm chí, lo sợ có người trộm cau, bà con còn phải canh gác. Còn năm nay, cau không những rớt giá mà còn không có người mua, nên buồn lắm. Nhưng bà con không nỡ chặt bỏ, mà vẫn tiếp tục trồng mới, vì hy vọng cau chỉ mất giá tạm thời, vụ sau sẽ lại được giá. Dù không bán được vẫn phải thuê người hái xuống, vì nếu để vậy thì vụ cau năm sau trái sẽ ít hơn”, ông Nhóc cho hay.

Vào những năm trước cau tươi có giá, các thương lái tại địa phương thi nhau mở lò xông, sấy cau để xuất bán đi các nơi. Họ còn đến tận nhà dân đặt tiền cọc trước để thu mua cau tươi. Năm nay, cau rớt giá, các lò sấy cau đóng cửa khiến không ít bà con nông dân than vắn thở dài. Theo chị Dương Thị Hoa, tiểu thương tại xã Sơn Dung, đầu vụ cau, dù giá rẻ nhưng thương lái còn còn thu mua, nhưng giờ họ cho rằng cau núi vỏ dày nên không mua.

“Hiện tại, cau chỉ xuất đi Trung Quốc, nhưng thương lái hiện không thu mua cau miền núi mà chỉ thu mua cau tại các huyện đồng bằng bởi cho rằng cau miền núi vỏ dày. Giờ tôi chỉ thu mua cau chín với giá 3 nghìn đồng/kg để ươm giống, cung cấp cây giống cho bà con”, chị Hoa cho hay.

Năm 2018, huyện Sơn Tây đã đưa cây cau vào cây trồng chủ lực của huyện và xây dựng dự án hình thành vùng chuyên canh cây cau. Theo đó, giai đoạn 2019 - 2023, dự án tiến hành trồng mới 830 ha cau, với kinh phí 20 tỷ đồng. Đến năm 2025 sẽ hình thành vùng chuyên canh cây cau tập trung khoảng 2.000 ha trên địa bàn 9 xã. Để thực hiện dự án, chính quyền địa phương sẽ cấp cau giống và phân bón thích hợp tùy vào nhu cầu của các hộ gia đình.

Ông Đinh Quang Ven, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Tây, cho biết huyện vẫn xác định cau là cây trồng chủ lực trong việc xác định cây, con giống để góp phần xóa đói giảm nghèo. Thực tế thời gian qua đã chứng minh được rằng trái cau tươi tuy có những năm rớt giá, nhưng vài năm sau lại tăng giá, và bà con lại có thu nhập cao.

“Nếu so sánh cây cau với những cây trồng khác trên địa bàn như cây keo, cây sắn thì cau vẫn có giá trị hơn. Cây keo thì phải 5 - 6 năm mới cho khai thác và sau đó phải trồng lại. Cau cũng trồng 5 năm mới cho thu hoạch nhưng lại cho thu liên tục vào những năm sau đó. Cau đã giúp cho hàng trăm hộ đồng bào Ca Dong của huyện xóa đói, giảm nghèo trong thời gian qua”, ông Ven cho hay.

Điều băn khoăn nhất của huyện Sơn Tây là đầu ra cho sản phẩm. Do đó, Ủy ban nhân dân huyện đã phối hợp với Viện Quy hoạch Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đưa một số giống cây vào trồng dưới tán cây cau như, hành Hà Lan, ổi Nữ Hoàng, cây sả... để trong những năm cau không có giá thì người dân vẫn có thu nhập từ những cây trồng khác, ông Ven cho biết thêm.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

 

 

Bắp cải xuất ngoại  (31/12/2019)

Với quy mô 4ha, mỗi vụ HTX Nông sản an toàn Liên Hiệp (xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam) tiêu thụ ra thị trường khoảng 120 tấn bắp cải sạch. Toàn bộ sản phẩm được xuất khẩu sang Nhật Bản.

Anh Phạm Hoàng Hiệp (SN 1982), Giám đốc HTX Liên Hiệp cho biết, mọi quy trình sản xuất đều được thực hiện nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đây là tiêu chuẩn cao nhất đối với sản xuất nông nghiệp sạch hiện nay.

Theo anh Hiệp, khi mới triển khai, khâu đầu tiên và quan trọng nhất là ươm giống. Giống được ươm trong nhà lưới, đảm bảo kĩ thuật, tránh bị ảnh hưởng bởi thời tiết bên ngoài. Thời gian ươm giống chỉ mất khoảng nửa tháng.

Tiếp đến, khâu cải tạo đất. Đất được cày sâu, để ải 15 - 20 ngày. Toàn bộ cỏ rác trên mặt nền được thu gom sạch sẽ. Sau đó, dùng máy phay (chém) tơi đất và kéo luống. Mỗi luống cao 30 cm, rộng 70 cm. Mỗi ha trồng 3.500 bắp.

Hoàn thiện các công đoạn, HTX bắt tay vào việc trồng cây giống, bón phân hữu cơ và dùng túi nilon phủ kín luống trồng. Việc này, giúp hạn chế cỏ dại mọc, giữ ẩm đất và đặc biệt khi mưa sẽ không bị vỡ luống, tràn đất xuống nền đi.

Nói về nguồn phân bón cho bắp cải, anh Hiệp thổ lộ, trước khi vào vụ trồng, HTX đã chủ động ủ phân hữu cơ. Thành phần gồm men rượu và phân gà. Ủ trong vòng 6 tháng liên tiếp để hoai mục.

Theo anh Hiệp, bón phân hữu cơ giúp cải thiện đất, tơi xốp, cây sinh trưởng nhanh, hạn chế được sâu hại. Ngoài bón phân hữu cơ, HTX tưới nhử bằng phân NPK, lân… khi cây mới gần 1 tháng tuổi. Nhằm kích thích sự phát triển.

“HTX đang sản xuất bắp cải Sakata No70 theo quy trình GolbalGAP. Trước khi xuống cây giống HTX đã gửi mẫu đất và mẫu nước đi kiểm định chất lượng. Cả 2 mẫu đều đạt yêu cầu”, anh Hiệp thông tin.

Nhờ áp dụng quy trình sản xuất đúng theo yêu cầu mà phía đơn vị thu mua đề ra nên HTX Liên Hiệp hoạt động rất trơn tru. Với diện tích 4ha, bắp cải được trồng theo lô (1,3ha/lô), HTX chỉ cần tới 5 công nhân là đảm nhiệm được hết công việc.

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn bắp cải xanh mướt và rộng bát ngát, anh Hiệp giới thiệu: Trồng bắp cải không hề khó, nhưng phải trồng theo đúng quy trình, đồng bộ tất cả các khâu từ A-Z. Không làm ẩu, tránh gặp rủi ro.

Chỉ tay vào luống bắp cải, anh Hiệp bảo, khoảng cách cây cách cây 40 cm, hàng cách hàng 60 cm, giúp cây có độ thoáng, phát triển tốt. Ngoài ra, toàn bộ hệ thống tưới nước cho bắp cải hoạt động theo chế độ tự động. Chỉ cần mở khóa tổng là nước chảy về các đường ống dẫn nước, cung cấp nước cho cây.

Anh Hiệp bật mí, để bắp cải luôn xanh tốt, không bị sâu bệnh, cây luôn khỏe thì phải chọn những cây giống thẳng, có nhiều rễ. Có như vậy, cây mới phát triển nhanh, sâu bệnh không hoành hành. Và, đặc biệt phải phun thuốc BVTV theo định kì, theo liều lượng, đúng quy định.

“Thời gian sinh trưởng của bắp cải khoảng 105 ngày là cho thu hoạch. Mỗi bắp nặng 1,5 - 1,8kg là đạt tiêu chuẩn. Theo kế hoạch, mỗi vụ HTX sẽ cung cấp ra thị trường 120 tấn bắp cải sạch, an toàn. Toàn bộ sản phẩm, được phía Công ty TNHH VinEco thu mua với giá 5 nghìn đồng/kg và xuất khẩu sang Nhật Bản”, anh Hiệp nói.

Đánh giá về mô hình bắp cải sạch của HTX Liên Hiệp, bà Nguyễn Thị Nhâm, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hà Nam cho biết, mô hình thực hiện nghiêm ngặt các quy trình sản xuất. Sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Tại đầu mỗi thửa ruộng, HTX đều có nhật ký ghi cụ thể loại bắp cải, ngày gieo cây giống, ngày trồng, dự kiến thời gian thu hoạch… Nguồn nước, mẫu đất đều được kiểm định trước khi vào vụ.

 “Thời điểm này, HTX cho công nhân thu hoạch bắp cải, đóng gói cẩn thận để chuẩn bị xuất khẩu sang Nhật Bản. Đơn vị đứng ra thu mua là VinEco. Sự liên kết chặt chẽ giữa HTX với doanh nghiệp đã giải quyết được đầu ra sản phẩm cho HTX” bà Nguyễn Thị Nhâm cho hay.

Nguồn: Báo nông nghiệp Việt Nam

 

 

Kỳ vọng mùa dưa tết bội thu  (30/12/2019)

Trong những ngày này, bà con trồng dưa hấu trên địa bàn tỉnh đang tất bật chăm sóc ruộng dưa, với hy vọng đến thu hoạch sẽ trúng mùa, được giá, có thêm thu nhập để vui xuân, đón Tết Nguyên đán 2020 sắp đến.

Vào thời điểm khoảng 1 tháng trước, nông dân trồng dưa hấu tại huyện Kế Sách đã ráo riết xuống giống dưa để kịp thu hoạch bán trong dịp Tết Nguyên đán. Chính vì vậy, trong những ngày này, chạy xe dọc tuyến đường Nam Sông Hậu thuộc khu vực thị trấn An Lạc Thôn (Kế Sách) dễ dàng bắt gặp không khí rộn ràng của bà con nơi đây, tiếng nói cười vui vẻ xen cùng âm thanh của máy bơm dẫn nước tưới cho ruộng dưa. Anh Nguyễn Tấn Thanh, ở ấp An Bình, thị trấn An Lạc Thôn cho biết: “Ruộng dưa của gia đình trồng đã được 1 tháng và đang phát triển rất tốt. Hy vọng từ đây đến thu hoạch, thời tiết thuận lợi và bán được giá”.

Dẫn chúng tôi đi xuống ruộng dưa của gia đình để tham quan, anh Thanh vừa cắt chèo và lựa trái (thông thường mỗi dây dưa sẽ ra nhiều dây nhỏ, người trồng dưa sẽ chọn ra một dây cái và hai dây nhánh) vừa cho hay: “Mấy năm nay, diễn biến thời tiết bất thường. Như năm rồi, trồng dưa vụ này gặp mưa nhiều nên dưa trồng bị thất, chỉ hơn 1 tấn/công (1.000m2). Năm nay, lại bị nước mặn sớm nhưng ở đây bà con trồng dưa sử dụng màng phủ sinh học, hạ liếp thấp hơn nên không cần tưới nước nhiều và kịp thời đóng cống dẫn nước nên ruộng dưa không bị ảnh hưởng”.

Mặc dù, hiện nay ở thị trấn An Lạc Thôn đang bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, nhưng bằng kinh nghiệm trồng dưa lâu năm, nông dân đã biết cách ứng phó. Hiện nay, bà con trồng dưa đang tích cực chăm sóc cho ruộng dưa phát triển tốt, đảm bảo sản phẩm có chất lượng, an toàn phục vụ cho thị trường tết.

Ra thăm ruộng dưa hấu của gia đình, ông Phạm Minh Tuấn cùng ngụ ấp An Bình, thị trấn An Lạc Thôn đi tới bắt chuyện cùng chúng tôi, ông cho biết: “Trồng dưa hấu không khó nhưng tốn công. Từ khâu làm đất, ươm cây con đến tỉa nhánh, thụ phấn… đều phải tỉ mỉ. Sau thời gian khoảng 65 ngày chăm sóc là có trái thu hoạch. Hiện, dưa hấu được thương lái đến thu mua tại ruộng có giá 6.000 đồng/kg, hy vọng là từ đây đến tết bán được giá ổn định như bây giờ là có lời rồi”.

Dưa hấu là loại quả được nhiều người ưa chuộng và đặc biệt không thể thiếu trong dịp tết cổ truyền. Hiện nay, dưa hấu có thể trồng quanh năm, song dưa dịp tết vẫn được nông dân trồng nhiều nhất và tiêu thụ mạnh nhất trong năm. Ông Nguyễn Hoàng Phong - cán bộ khuyến nông tại thị trấn An Lạc Thôn cho biết: “Ở địa phương có khoảng 100ha diện tích trồng rau màu, trong đó, có khoảng 50ha trồng dưa hấu. Riêng vụ dưa tết thì diện tích tăng lên 80ha. Thời gian trồng 1 vụ dưa hấu chỉ khoảng 2 tháng, nhưng so với các loại rau màu khác thì lợi nhuận cao hơn hẳn, nhất là trồng dưa hấu tết. Nếu thời tiết thuận lợi, chăm bón tốt, dưa cho năng suất từ 2,5 tấn/công, giá bán dao động từ 5.000 - 7.000 đồng/kg (tùy giống) như những năm trước thì người trồng dưa kiếm được nguồn lợi nhuận khoảng 6 triệu đồng/công”.

Thời điểm này, hầu hết các ruộng dưa trên địa bàn tỉnh đã gieo trồng được 1 tháng và phát triển rất tốt, nông dân đang tích cực chăm sóc, dự tính sẽ được bà con thu hoạch vào ngày 25, 26 tháng chạp âm lịch. Hy vọng, năm nay giá bán dưa hấu được ổn định, nông dân thu được lãi cao và đón tết sung túc hơn.

Nguồn: Báo Sóc Trăng


Tin liên quan

Danh mục