A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả từ mô hình nuôi dê sinh sản ở thị xã Tân Châu

Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu nhằm tăng giá trị sản phẩm và mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho người nông dân. Những năm gần đây, Trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu, An Giang đã chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật và đã nhận được sự quan tâm của tổ chức, cá nhân trong và ngoài thị xã. Những thành quả bước đầu cũng đáng được ghi nhận với sự tham gia tích cực của những hộ chăn nuôi.

Chế phẩm sinh học vườn sinh thái chăn nuôi và chế phẩm EM tỏi là những chế phẩm được điều chế, chiết xuất từ những thành phần nguyên liệu có trong tự nhiên như: rong rêu, tảo biển, các acid amine, vitamine, khoáng chất, vi sinh vật hữu ích và tỏi... Rất an toàn, thân thiện với con người và môi trường. Thời gian qua, việc triển khai các mô hình chăn nuôi sử dụng chế phẩm sinh học trên địa bàn thị xã luôn nhận được sự quan tâm của người chăn nuôi, nhằm giúp người chăn nuôi tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi.

Từ nguồn kinh phí sự nghiệp năm 2020 Trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu, An Giang đã thực hiện trình diễn mô hình chăn nuôi dê sinh sản kết hợp sử dụng chế phẩm vườn sinh thái chăn nuôi và EM tỏi tại hộ ông Trần Vũ Phong, ấp Phú Yên, xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu. Với số lượng 02 con: 01 con đê đực Boer và 01 dê cái lai giống Saanen (dê đực Boer x dê cái Saanen). Mục đích của điểm trình diễn là so sánh năng suất sinh sản của dê cái Saanen; kết quả phối giống và di truyền của dê Boer khi phối giống với dê cái địa phương về khả năng sinh trưởng, phát triển của đàn dê, đánh giá tình hình thích nghi, kháng bệnh của dê. Khả năng sinh trưởng và phát triển của đàn dê con sinh ra sau khi phối giống với dê đực Boer.

Sau 72 ngày thực hiện mô hình, trọng lượng ban đầu của dê đực Boer là 36 kg. Trọng lượng dê dực Boer sau 172 ngày nuôi đạt 53 kg. Dê đực Boer tăng trọng bình quân 99 gam/ngày. Dê đực Boer phối giống được 22 dê cái, số lượng đậu thai: 15/22 con (Đạt tỉ lệ 68,2 %). Còn lại 7 con đang theo dõi trong quá trình phối giống.

Trọng lượng ban đầu của dê cái lai (dê cái Saanen x đực Bore): 25,5 kg. Trọng lượng dê cái lai giống Saanen sau 172 ngày nuôi đạt 36 kg. Dê cái lai giống Saanen tăng trọng bình quân 62 gam/ngày. Dê cái lai Saanen mang thai sau khi phối giống là 145 ngày. Dê cái giống Saanen đẻ 01 con/lứa, trọng lượng dê sơ sinh: 3,5 kg/con. Dê con sinh ra có độ tương đồng về màu sắc lông của 02 giống Boer và Saanen, khung xương lớn, xương to, trọng lượng dê sơ sinh cao.

Dê con đạt trọng lượng 18 kg khi được 72 ngày tuổi, nhận thấy dê con tăng trọng tốt hơn dê địa phương và thấp hơn 18 ngày so với dê con cùng trọng lượng (dê con sinh ra từ đàn dê nuôi tại địa phương đạt trọng lượng 18 kg/90 ngày). Do dê cái Saanen cho sữa tốt sau khi sinh nên trọng lượng của dê con tăng trọng tốt, dê con tăng trọng bình quân 201 gam/ngày.

 Tổng chi phí đầu tư (Giống dê đực Boer, giống dê cái lai Saanen, thức ăn hỗn hợp (công nghiệp); cỏ, rau muống, thuốc thú y (vitamin ADE, B.Complex, Glucose K C, Vaccine), vườn sinh thái chăn nuôi, EM tỏi, chuồng trại, công lao động…): 16.593.600 đồng. Tổng thu (Tiền dê đực Boer phối giống, bán dê con, bán dê đực Boer, bán dê cái lai giống Saanen): 23.060.000 đồng. Lợi nhuận: 6.466.400 đồng.

Sau khi trừ các chi phí đầu tư thì lợi nhuận đạt hơn 6 triệu đồng. Bên cạnh đó, mô hình được nông dân đánh giá cao hiệu quả khi sử dụng chế phẩm vườn sinh thái chăn nuôi, chế phẩm EM tỏi: dê tiêu hóa và hấp thu thức ăn tốt, hạn chế mùi hôi từ phân, nước tiểu, lông mượt và tăng trọng tốt. Đặt biệt khi sử dụng chế phẩm EM tỏi dê hạn chế bệnh hô hấp (xổ mũi, ho), tiêu hóa (nhất là bệnh sình bụng, chướng hơi ở dê) do thời tiết mưa, bão nhiều; thời điểm chuyển mùa và thay đổi thời tiết đột ngột.

Mô hình chăn nuôi dê sinh sản kết hợp ứng dụng chế phẩm sinh học vườn sinh thái chăn nuôi, chế phẩm EM tỏi là một giải pháp phát triển bền vững nghề chăn nuôi dê sinh sản nói chung và nuôi dê thịt nói riêng. Kết quả cho thấy rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi nông hộ cũng như chăn nuôi dê trang trại.

Việc sử dụng chế phẩm sinh học vườn sinh thái chăn nuôi, chế phẩm EM tỏi trong chăn nuôi dần thay thế kháng sinh hóa học, các hóa chất độc hại… là việc làm cần thiết. Khi sử dụng chế phẩm vào qui trình chăn nuôi sẽ tạo ra sản phẩm thịt không có tồn dư kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi và an toàn cho người tiêu dùng. Góp phần nâng cao năng suất vật nuôi và hiệu quả kinh tế nông hộ. Trong thời gian tới, mô hình chăn nuôi áp dụng vườn sinh thái chăn nuôi, chế phẩm EM tỏi cần được áp dụng rộng rãi, để góp phần đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững và hướng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, rất cần có sự phối hợp của các ngành liên quan, các địa phương để sản phẩm các chế phẩm sinh học được phổ biến và sử dụng rộng rãi hơn, tiến tới sản xuất sạch hơn và thân thiện với môi trường.

 

 

 

Hứa Long Sơn  -   Tạm Khuyến nông thị xã Tân Châu

 


Tin liên quan