A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

An Giang khuyến cáo khung lịch thời vụ xuống giống lúa vụ Thu Đông 2021

Căn cứ vào khung lịch thời vụ của Cục Trồng trọt cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long cùng với tình hình khí tượng thủy văn và diễn biến rầy nâu trên đồng ruộng, UBND tỉnh An Giang vừa ban hành Kế hoạch số: 430/KH-UBND, ngày 15/7/2021 về việc sản xuất và tiêu thụ vụ Thu Đông năm 2021, theo đó, khuyến cáo khung lịch thời vụ xuống giống lúa vụ Thu Đông 2021 trong toàn tỉnh An Giang bắt đầu từ ngày 15/7 đến ngày 10/9/2021 (nhằm ngày mùng 6 tháng 6 đến ngày mùng 4 tháng 8 âm lịch), gồm 3 trà:

- Trà sớm, diện tích xuống giống khoảng 11.000ha tập trung tại huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và TP. Long Xuyên.

- Đại trà, diện tích xuống giống khoảng 144.000ha tập trung tại 11 huyện, thị, thành.

- Trà muộn, diện tích xuống giống khoảng 7.000ha tại các vùng sản xuất lúa 3 vụ như huyện Châu Phú, Chợ Mới và thị xã Tân Châu.

Trên cơ sở theo dõi diễn biến rầy nâu vào đèn trong và ngoài tỉnh, tình hình thu hoạch lúa Hè Thu 2021, lịch xuống giống đồng loạt, tập trung và né rầy chia làm 02 đợt dự kiến như sau:

- Đợt 1: Xuống giống từ 25/7 đến 10/8/2021 (nhằm ngày 18 tháng 6 đến ngày mùng 3 tháng 7 âm lịch), xuống giống tập trung ở những vùng thu hoạch Hè Thu sớm và đại trà với khoảng 60 ngàn ha tập trung tại các huyện Tri Tôn, An Phú, Tịnh Biên, Chợ Mới, Thoại Sơn và TP. Long Xuyên.

- Đợt 2: Xuống giống tập trung từ 20/8 đến 02/9/2021 (nhằm 13 tháng 7 đến ngày 26 tháng 7 âm lịch), xuống giống dứt điểm ở những vùng thu hoạch Hè Thu đại trà và muộn, gồm các huyện Thoại Sơn, An Phú, Châu Phú, Phú Tân, Châu Thành, Chợ Mới, TX. Tân Châu và TP. Châu Đốc, với 60 ngàn ha.

Tùy theo tình hình rầy nâu vào bẫy đèn ở từng địa phương mà có lịch xuống giống cụ thể nhưng phải tuân thủ lịch xuống giống đồng loạt, tập trung, né rầy và theo khung lịch thời vụ chung của tỉnh. Lưu ý trên cùng một tiểu vùng không để nhiều trà lúa đan xen nhau. Theo nhu cầu liên kết với doanh nghiệp trong vụ Thu Đông là 37.400 ha, chiếm 23,26% diện tích dự kiến xuống giống với sự tham gia liên kết của 15 công ty và doanh nghiệp.

Về cơ cấu giống lúa cho vụ Thu Đông 2021, Kế hoạch số: 430/KH-UBND nêu rõ, tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo về cơ cấu giống lúa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong những năm qua là: Mỗi địa phương xác định cơ cấu giống gồm 04 đến 05 giống chủ lực, 04 đến 05 giống bổ sung và vài giống triển vọng mới; cơ cấu một giống không quá 20%. Phấn đấu sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao.

Căn cứ vào số liệu theo dõi về tình hình giá lúa của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, các giống lúa: OM9582, Đài thơm 8, OM5451, OM7347, OM6976, OM18, Jasmine 85, OM9577, OM4900, OM38… thời gian qua được doanh nghiệp thu mua giá cao và theo chiều hướng tăng. Do đó, các huyện, thị xã và thành phố có biện pháp chỉ đạo và khuyến cáo nông dân sản xuất các giống này trong vụ Thu Đông 2021.

Bên cạnh đó, có thể khuyến cáo nông dân sử dụng nhóm giống có triển vọng để có thể thay thế các giống lúa không còn phù hợp trong sản xuất tại địa phương, được đề xuất như sau: Lộc Trời 7, Lộc Trời 18, Lộc Trời 28, OM448, OM418..., tuyệt đối không gieo trồng các giống lúa chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Riêng đối với nhóm giống lúa Japonica (ĐS1, Hana, Kinu... và Nếp: Đề nghị các địa phương và bà con nông dân tổ chức liên kết sản xuất khi có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, khi sản xuất phải phù hợp với các tiêu chuẩn như 1P5G, SRP, GlobalGAP... và gắn với định hướng tiêu thụ của từng địa phương.

Nguồn: Kế hoạch số: 430/KH-UBND, ngày 15/7/2021 của UBND tỉnh An Giang về việc sản xuất và tiêu thụ vụ Thu Đông năm 2021

Lê Tùng

 


Tin liên quan