A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin thị trường ngày 06/01/2020

 

Giá mía cao nhất 886.000 đồng/tấn   (06/01/2020)

Công ty CP Mía đường Nghệ An (NASU) đã tăng giá mía thêm 126.000 đồng/tấn so với thông báo, cụ thể giá mía là 886.000 đồng/tấn.

Do chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, mía thu hoạch nhập về nhà máy có độ đường cao, chị Nguyễn Thị An, xóm U, xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) trồng giống mía QD93-159 đã được nhà máy thu mua với giá cao nhất.

Chị Nguyễn Thị Hai, chủ hợp đồng xóm U cho biết, chữ đường (CCS) trung bình các chuyến mía của toàn hợp đồng đến nay đạt 12,62 CCS, được thưởng với số tiền 50,7 triệu đống, giá mía bình quân tại ruộng là 830.000 đồng/tấn.

Để mía QD93-159 trồng trên đất bãi ven sông sinh trưởng và phát triển tốt, khi trồng mới hoặc sau khi thu hoạch để gốc, nông dân phải bón phân NPK 15-7-15, với lượng 500 kg/ha.

Bón thúc thêm 2 lần, mỗi lần bón thúc 70kg phân đạm urê kết hợp với 70kg kaly/ha. Kết thúc bón phân thúc trước 30/6, bóc lá khô, già để ruộng mía thông thoáng, quản lý tốt rệp xơ bông trắng gây hại…

Nguồn: Báo nông nghiệp Việt Nam

 

 

Khánh Hòa: Tôm hùm khó bán, giá thấp  (06/01/2020)

Nhưng ngày cuối năm, giá tôm hùm thương phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa lên xuống thất thường, khiến người nuôi lo lắng.

Ngày 3/1, ông Lâm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Bình, TP Cam Ranh - “thủ phủ” nuôi tôm hùm xanh ở Khánh Hòa cho biết, hôm 2/1, giá tôm hùm xanh thương phẩm trên địa bàn đã “ nhích” lên từ 680 - 700 ngàn đồng/kg, tăng từ 80 - 100 ngàn đồng/kg, so với những ngày trước. Với giá tôm hiện nay, người nuôi thu hoạch có mức lãi ít, chứ không nhiều.

Tuy nhiên với giá tôm hiện nay, theo lãnh đạo Hội Nông dân xã Cam Bình khá bất ổn, có thể lên hoặc xuống lại trong vài ngày tới. Bởi nguyên nhân giá tôm đột ngột tăng lên, một phần người nuôi “găm” hàng hạn chế xuất bán, khiến nguồn cung khan hiếm. Nên buộc thương lái phải đẩy giá lên để thu mua gom hàng xuất sang thị Trung Quốc. Chứ trước đó, giá tôm hạ xuống chỉ còn 600 ngàn đồng/kg, khiến người nuôi thu hoạch thua lỗ nặng.

Tại vùng nuôi tôm hùm TX Sông Cầu (Phú Yên) giá tôm hùm thời gian gần đây cũng giảm xuống mức thấp, khiến người nuôi thu hoạch kém vui. Một lãnh đạo Phòng NN-PTNT TX Sông Cầu cho biết, giá tôm xanh chỉ khoảng 600 ngàn đồng/kg, còn tôm bông khoảng 1,3 triệu đồng/kg. Với giá tôm trên, người nuôi thu hoạch khó mà có lãi.

Anh Nguyễn Văn Hậu, một người nuôi tôm hùm ở thôn Bình Ba Tây, xã Cam Bình, cho biết: “Khoảng 1 tháng trước, giá tôm hùm xanh đã tăng trở lại lên đến 800 ngàn đồng/kg, sau thời gian dài ở mức thấp trên dưới 600 ngàn đ/kg. giá này, người nuôi rất phấn khởi vì thu hoạch có mức lãi khá. Tuy nhiên chưa tới 1 tuần, giá tôm thịt bắt đầu liên tục giảm, chỉ còn 600 ngàn đồng/kg khiến người nuôi  “khóc ròng”. Vì xuất bán người nuôi cầm chắc thua lỗ từ 7 -10 triệu đồng/lồng.

Cụ thể, mỗi lồng người nuôi thả 350 con, nhưng trong quá trình nuôi bị hao hụt từ 50 - 100 con/lồng (tùy lồng). Nếu họ thu hoạch trung bình mỗi lồng đạt từ 50 - 60 kg tôm thương phẩm. Với giá tôm 600 ngàn đồng/kg, doanh thu từ 30 - 36 triệu đồng/lồng. Trong khi chi phí đầu tư mỗi lồng bao gồm giống và thức ăn đã từ 40 - 42 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác như công lao động.

Cũng theo người nuôi tôm ở xã Cam Bình bộc bạch, giá tôm thương phẩm thời gian qua liên tục giảm là trái với quy luật mọi năm. Bởi gần tết Nguyên đán, giá tôm hùm phải tăng mạnh, dao động từ 700 - 800 ngàn đồng/kg, thậm chí còn cao hơn nữa.

Tuy nhiên trước áp lực cuối năm phải thanh toán tiền mồi đã mua nợ từ trước, nhiều người nuôi đã tránh nhau bán, khiến việc tiêu thụ diễn ra chậm. Người nuôi cho rằng, họ phải gọi thương lái sắp lịch mới đến lượt mình xuất bán.

Ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã Cam Bình xác nhận việc tiêu thụ tôm chậm và cho biết, hiện nay bà con đang đứng trước khó khăn tôm đến lượt xuất bán, nhưng không bán được mà giá lại thấp.

“Tôm đã đến thời kỳ thu hoạch, nếu không bán thì nó mang trứng sẽ bị thương lái chê và không mua. Hơn nữa giá mồi hiện tại tăng cao, nếu càng nuôi, người nuôi sẽ càng thua lỗ nếu bán giá ở mức thấp”, ông Ân chia sẻ.

Cũng theo lãnh đạo Hội Nông dân xã Cam Bình, thời gian qua khi giá tôm xanh giảm xuống mức 600 ngàn đồng/kg, nhiều người trên địa bàn xuất bán thua lỗ. Hộ lỗ ít hàng chục triệu đồng, còn lỗ nhiều lên đến hàng trăm triệu đồng.

Theo người nuôi tôm hùm xã Cam Bình, việc giá tôm tăng hay giảm người nuôi không rõ. Bởi thương lái thông báo thu mua giá bao nhiêu, thì họ bán bấy nhiêu, chứ không nắm được giá thị trường.

“Nhiều thương lái thu mua hôm nay, còn thông báo giá tôm ngày hôm sau luôn. Do đó nếu bà con không bán, giá tôm tiếp tục hạ là càng thua lỗ”, anh Hậu nói.

Ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã Cam Bình, cho biết, về giá tôm thời gian qua giảm mạnh ông cũng không rõ. Ông chỉ nghe thương lái nói năm nay nhiều vùng nuôi tôm được mùa nên sản lượng tăng mạnh, trong khi thị trường tiêu thụ chính từ Trung Quốc “ăn” chậm.

Không chỉ giá tôm xanh ở mức thấp, mà giá tôm sao (tôm bông) thời điểm hiện tại cũng chỉ dao động từ 1,4 - 1,7 triệu đồng/kg. Nếu so với giá tôm thịt thời điểm những tháng đầu năm, thì giá tôm hiện nay đã nhích lên nhiều. Nhưng so với thời điểm năm ngoái, mức giá hiện tại lại thấp hơn nhiều, bởi năm ngoái giá tôm lên đến trên dưới 2 triệu đồng/kg.

Về vấn đề này, PV Báo NNVN trao đổi với một đại diện công ty chuyên thu mua tôm hùm xuất sang thị trường Trung Quốc, ở TP Cam Ranh cũng xác nhận, giá tôm thời gian qua ở mức thấp là do thị trường Trung Quốc tiêu thụ chậm. Trong khi năm nay sản lượng tôm hùm thịt ở các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên rất nhiều.

“Do thị trường Trung Quốc tiêu thụ chậm nên công ty thu mua tôm xuất khẩu cũng ít lại. Như hiện tại trung bình mỗi ngày, công ty chỉ xuất 2-3 tấn, trong khi mọi năm mỗi ngày từ 5-6 tấn sống tôm xuất sang Trung Quốc”, đại diện công ty chuyên xuất tôm hùm sang Trung Quốc nói.

Về nhận định giá tôm trong thời gian tới, đại diện công ty này cho hay, giá tôm khó tiếp tục tăng lên cao, mà chỉ giữ mức ổn định trên dưới 700 ngàn đồng/kg. Vì nguồn cung hiện nay các địa phương khá dồi dào.

Được biết, năm 2019 toàn xã Cam Bình đã xuất bán khoảng 320 tấn tôm thịt. Hiện xã này còn khoảng 100 tấn tôm thịt nữa chưa xuất bán.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

 

 

Đồng Tháp: Giá đu đủ bất ngờ giảm mạnh  (05/01/2020)

Trong những ngày qua, giá đu đủ trên địa bàn huyện Lai Vung bất ngờ giảm mạnh, giá đu đủ bán tại vườn chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg (giảm gần phân nửa so với cùng kỳ). Đối với các nhà vườn có sản lượng đu đủ ít thì thương lái không mua. Theo một số nhà vườn, giá đu đủ giảm mạnh là do người dân trồng nhiều nên dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.

Qua tìm hiểu, nhiều nhà vườn ở các xã Tân Thành, Vĩnh Thới, Phong Hoà, Tân Hoà… của huyện Lai Vung đã trồng xen canh đu đủ, chuối cau vào diện tích vườn cây có múi như quýt, cam nhằm lấy ngắn nuôi dài. Thậm chí có nhà vườn đã cải tạo diện tích vườn trồng quýt hồng bị bệnh sang trồng chuối cau và đu đủ.

Nguồn: Báo Đồng Tháp

 

 

Giá giảm, thịt heo tại chợ vẫn ế  (05/01/2020)

Giá heo hơi giảm nhiệt một tuần nay giúp giá bán thịt thành phẩm trên thị trường hạ 10.000 - 15.000 đồng nhưng sức mua vẫn kém.

Tiếp đà giảm, giá thịt heo hơi cuối tuần hạ thêm 3.000 - 5.000 đồng một kg. Theo số liệu của Trung tâm công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), hiện mỗi kg heo hơi giảm bình quân 10.000 đồng so với thời điểm tăng kỷ lục, về mức 82.000 - 85.000 đồng. Tại một số địa phương khu vực miền Bắc, giá rớt xuống dưới 80.000 đồng một kg như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc...

Ở khu vực phía Nam, giá tiếp tục giảm tại "vựa" heo Đồng Nai, còn khoảng 80.000 - 81.000 đồng một kg. Một số tỉnh như Hậu Giang, Sóc Trăng... heo hơi về dưới 80.000 đồng, dao động 77.000 - 80.000 đồng một kg. Còn tại An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ... khoảng 83.000 - 84.000 đồng.

Giá thịt hơi hạ nhiệt giúp giá bán thịt thành phẩm cũng giảm theo tại các chợ dân sinh, nhưng mỗi nơi một giá. Khảo sát của VnExpress ngày 5/1 tại chợ Hà Đông (Hà Nội), sườn non và thịt ba chỉ, thăn heo lần lượt có giá 150.000 đồng một kg, giảm 10.000 đồng so với cách đây một tuần. Thịt nạc vai, mông sấn cũng giảm còn 140.000 - 150.000 đồng một kg.

Thịt giảm giá song sức mua của người dân chưa tăng. Chị Hoa - tiểu thương tại chợ Văn Phú (Hà Đông) cho biết, sức mua giảm do tâm lý "ngại" giá cao. "Giá giảm 10 giá so với "đỉnh" nhưng vẫn ế lắm, 10 người vào hỏi thì chỉ 4-5 người mua vì vẫn chê giá cao", chị Hoa chia sẻ.

Theo tiểu thương này, mức giá thịt giảm hiện tại có thể tăng trở lại vào sát Tết do nhu cầu lúc này tăng cao và khan hàng. Giá thịt heo tại chợ Thanh Xuân (Hà Nội) cũng giảm 10 "giá" so với tuần trước, khi mỗi kg thăn heo hạ về 160.000 đồng; thịt nạc vai 140.000 đồng; ba chỉ rút xương 150.000 đồng...

Còn tại kênh siêu thị, giá thịt cũng bắt đầu hạ nhiệt so với trước. Tại hệ thống Sài Gòn Co.Op mart ở Hà Nội, giá thịt CP giảm 5.000-10.000 đồng một kg, tuỳ loại so với cách đây một tuần. Thịt ba chỉ về 171.000 đồng, giảm 6.000 đồng một kg, sườn non còn 198.000 đồng, hạ 7.000 đồng; nạc thăn heo còn 172.000 đồng...

Trong khi đó, các sản phẩm của Meat Deli tại hệ thống các siêu thị vẫn giữ nguyên mức tăng 10-30% tuỳ loại từ cuối tháng 12/2019. Chẳng hạn, sụn heo, sườn non heo "đồng giá" 239.900 đồng một kg, thịt đùi 154.900 đồng; thịt heo xay đặc biệt 169.900 đồng, bắp giò không xương 199.900 đồng... 

Bộ Công Thương tính toán, lượng thịt thiếu từ nay tới Tết và sau Tết khoảng 200.000 tấn. Cơ quan này và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu thêm khoảng 100.000 tấn thịt tới hết quý I, từ các quốc gia có quan hệ thương mại với Việt Nam, để đảm bảo đủ cung thịt trong nước.

Nguồn: Vnexpress

 

 

Ồ ạt gom tôm thẻ chân trắng xuất sang Trung Quốc, giá tăng mạnh  (05/01/2020)

Trước đây, do giá tôm thẻ liên tục ở mức thấp, nông dân không có lãi nên nhiều người bỏ tôm thẻ chuyển sang nuôi tôm sú, dẫn tới sản lượng tôm thẻ giảm mạnh. Trong khi đó, gần đây các doanh nghiệp chế biến đang cần nguồn tôm nguyên liệu để xuất sang Trung Quốc nên dẫn đến cầu vượt cung, giá tôm thẻ từ đó tăng mạnh.

Theo thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), giá tôm nguyên liệu trong tháng 12/2019 có xu hướng tăng đối với cả 2 loại tôm sú và tôm thẻ chân trắng do nguồn cung thấp, nhu cầu cao.

Tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg trong tháng 12/2019 đã tăng 20.000 đồng/kg lên 230.000 đồng/kg, cỡ 30 con/kg tăng 10.000 đồng/kg lên 180.000 đồng/kg, cỡ 40 con/kg 142.000 đồng/kg.

Đặc biệt, giá tôm thẻ ướp đá cỡ 60 con/kg đang tăng mạnh, với mức tăng 35.000 đồng/kg lên mức 145.000 đồng/kg, cỡ 70 con/kg tăng 35.000 đồng/kg, lên mức 135.000 đồng/kg, cỡ 100 con/kg tăng 10.000-15.000 đồng/kg, lên 95.000 - 100.000 đồng/kg.

Hiện nay, cầu vượt cung đối với tôm thẻ vì thời gian trước giá thấp, người nuôi tôm chuyển qua nuôi tôm sú nên lượng tôm thẻ ít so với nhu cầu; trong khi đó, các doanh nghiệp đang cần nguồn nguyên liệu để xuất sang Trung Quốc theo đường chính ngạch nên dẫn đến cầu vượt cung, giá tôm thẻ từ đó tăng mạnh.

Theo nhận định của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong năm 2019, nhìn chung thị trường tương đối ổn định đối với tôm sú nhưng đối với tôm thẻ chân trắng có sự biến động khá nhiều. Thời điểm giữa năm, giá tôm thẻ nguyên liệu sụt giảm mạnh, loại 100 con/kg chỉ còn khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg, khiến người nuôi tôm lỗ vốn hoặc không có lời.

Đáng chú ý, tình trạng treo ao xuất hiện dẫn đến sản lượng giảm nên giá tôm nguyên liệu những tháng cuối năm tăng mạnh. Hiện nay, tín hiệu phục hồi giá tôm nguyên liệu đã tạo tâm lý cho người nuôi yên tâm, phấn khởi và huy động công sức, vốn liếng để đầu tư nuôi tôm.

Theo các chuyên gia ngành thuỷ sản, sản lượng tôm năm nay giảm nên giá tôm nguyên liệu những tháng cuối năm tăng mạnh và dự báo có thể tiếp tục tăng trong những ngày cuối năm. Hiện nhiều công ty chế biến thủy sản đang gặp khó khăn trong việc thu mua tôm nguyên liệu do nguồn cung khan hiếm, giá tăng trung bình 15 - 20%.

Cũng do thiếu nguyên liệu chế biến, các nhà máy đẩy mạnh mua vào để thực hiện những hợp đồng đã ký trước đó nên đẩy giá tôm thời gian gần đây leo thang.

Cuối tháng 12/2019, tại ĐBSCL giá tôm thẻ chân trắng cỡ 40 con/kg mua tại ao là 146.000 đồng/kg. Tôm cỡ 30 con/kg trên 175.000 đồng/kg, tăng hơn 40.000 đồng/kg so với cách đây vài tháng. Với giá tôm cao như hiện nay, nếu quản lí ao nuôi tốt thì sau khi trừ chi phí, người nuôi có thể thu lãi khoảng 70.000 đồng/kg, tức đầu tư một thu lời một.

Tuy nhiên, 3 năm qua người nuôi tôm thẻ đã trải qua nhiều phen lao đao vì tôm liên tục rớt giá. Có thời điểm, thị trường tôm thẻ ở ĐBSCL chỉ còn từ 80.000 - 95.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi tôm sẽ không có lãi, nhất là đối với những hộ nuôi tôm đất vì chi phí cao, tỉ lệ hao hụt lớn hơn so với nuôi tôm trải bạt. Chính vì thế, các chuyên gia nông nghiệp cũng khuyến cáo bà con nông dân nên cân nhắc chuyện tăng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng để tránh nguy cơ tăng nguồn cung đột biến, nhất là khi thị trường xuất khẩu tôm hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.

Cũng theo báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 12/2019 ước đạt 806 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2019 ước đạt 9,63 tỉ USD, tăng 2,7% so với năm 2018.

Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 11 tháng qua, chiếm 57,8% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Trong 11 tháng đầu năm 2019, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Trung Quốc, tăng 19,7% và Đài Loan tăng 9,7%; Hoa Kỳ đạt kim ngạch 1,35 tỉ USD, giảm 8,8%; Nhật Bản: 1,35 tỉ USD, tăng 6,8%; EU (28 nước) với 1,19 tỉ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ 2018.

Về chủng loại xuất khẩu: Cá tra đạt kim ngạch 1,8 tỉ USD giảm 11%; tôm đạt 3,08 tỉ USDgiảm 5,7%%; cá ngừ đạt 668,946 triệu USD tăng 12%; các loại cá khác đạt 1.519,252 triệu USD tăng 15,9%; Cua, ghẹ và giáp xác khác đạt 138,037 triệu USD tăng 16,5%; mực và bạch tuộc đạt 531,153 triệu USD giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Nguồn: Dân Việt


Tin liên quan

Danh mục