A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vụ Thu Đông 2021, An Giang áp dụng quy trình 1P5G là 81.122 ha và 3G3T với diện tích 145.666ha

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh An Giang đang tập trung xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông 2021 theo Kế hoạch số: 430/KH-UBND, ngày 15/7/2021 của UBND tỉnh An Giang về việc sản xuất và tiêu thụ vụ Thu Đông năm 2021.

Trong điều kiện thời tiết có mưa, bão nhiều. Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật,  một số đối tượng dịch hại gây bệnh trên lúa có thể xuất hiện như rầy nâu, muỗi hành, bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá, bệnh lem lép hạt …do đó cần tập trung một số giải pháp sau:

- Về thời vụ, các địa phương xây dựng kế hoạch xuống giống lúa, nếp vụ Thu Đông 2021 phù hợp với khung lịch thời vụ chung của tỉnh; tập trung khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống; tăng cường công tác vận động nông dân xuống giống tập trung, đồng loạt trên cơ sở số liệu từ hệ thống bẫy đèn để đảm bảo xuống giống né rầy và né mưa bão cuối vụ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình nguồn nước, mùa vụ sản xuất và thị trường.

- Biện pháp canh tác: Khuyến cáo nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp - IPM; ba giảm, ba tăng; một phải, năm giảm (chú ý lượng giống gieo sạ từ 80 - 100 kg/ha), trong đó chú trọng áp dụng tốt giải pháp tưới nước tiết kiệm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh thái - trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ...tăng cường tuyên truyền hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng. Khuyến cáo nông dân tăng cường các biện pháp giúp cây lúa khỏe như bổ sung vi lượng, phân bón có chứa canxi, silic…giúp cây lúa tăng tính chống chịu tự nhiên.

- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm, hướng dẫn nông dân xử lý các đối tượng dịch hại và có biện pháp ứng phó kịp thời để bảo vệ năng suất lúa tốt hơn.

- Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên nền đất trồng lúa đối với những tiểu vùng xuống giống muộn, nằm ngoài lịch khuyến cáo để tránh ảnh hưởng đến vụ Đông Xuân 2021 - 2022.

- Kiên quyết trong việc chỉ đạo xuống giống theo khung thời vụ quy định và theo thông báo xuống giống né rầy; thời gian xuống giống trên cùng 01 tiểu vùng không quá 07 ngày và không để nhiều trà lúa đan xen nhau; thời gian xuống giống không kéo dài quá 2 tháng mỗi vụ để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, muỗi hành (sâu năn) và các loài dịch hại khác gây ra.

- Phối hợp các cơ quan thông tin truyền thông của địa phương kịp thời thông báo về tình hình diễn biến dịch hại, ảnh hưởng của mưa bão, ngập úng, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh và của địa phương, các biện pháp phòng chống dịch hại, biện pháp đối phó tình hình mưa bão để mọi người dân biết và chủ động tích cực thực hiện.

Chú ý: Không xuống giống lúa vụ Thu Đông ở những vùng không có đê bao. Phải tuân thủ khung lịch thời vụ theo khuyến cáo, né rầy, né lũ (nếu có), đảm bảo sản xuất vụ Thu Đông 2021 và Đông Xuân 2021 - 2022 an toàn, hiệu quả.

Kế hoạch diện tích áp dụng quy trình 1P5G là 81.122 ha chiếm 50,4 % diện tích xuống giống và 3G3T với diện tích 145.666 ha chiếm 90,5% diện tích xuống giống trong vụ Thu Đông 2021.

Nguồn: Kế hoạch số: 430/KH-UBND, ngày 15/7/2021 của UBND tỉnh An Giang về việc sản xuất và tiêu thụ vụ Thu Đông năm 2021

Xem thêm: An Giang khuyến cáo khung lịch thời vụ xuống giống lúa vụ Thu Đông 202120/07/2021

Lê Tùng

 


Tin liên quan