A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin thị trường ngày 10/01/2020

 

Đồng Tháp: Hoa tết tiêu thụ mạnh  (10/01/2020)

Thời điểm này, nhiều cánh đồng hoa ở làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) được thương lái các nơi đến tận vườn đặt mua trước.

Năm nay thương lái đến vườn đặt mua sớm với giá bán các loại hoa tăng từ 5 - 10% so với mọi năm nên bà con làng hoa rất phấn khởi.

Anh Nguyễn Kim Thanh ngụ phường An Hòa- TP. Sa Đéc cho biết, vụ hoa Tết này anh trồng hơn 8.000 giỏ hoa gồm cúc tiger, mào gà và cát tường, cách đây khoảng 10 ngày thương lái đã đến đặt mua phân nửa số hoa trong vườn.

Nhiều ngày qua thương lái cũng đã đến ngã giá mua số hoa còn lại với giá bán tăng 5% so với năm ngoái. Cụ thể cúc tiger giá bán từ 130 - 140 ngàn đồng/cặp; mào gà 120 ngàn đồng/cặp; cát tường 70 ngàn đồng/cặp.

Ngoài những chậu hoa thông thường, năm nay anh Thanh còn trồng thêm các chậu cúc Tiger loại trung với giá bán 250 ngàn đồng/chậu và chậu lớn là 400 ngàn đồng/chậu. Hiện 400 chậu hoa dạng này đã được bán hết nên anh rất phấn khởi.

“Năm nay thời tiết trồng thấy thuận lợi, hoa nở đúng tết, thương lái đến mua sớm hơn mọi năm nên bà con ai cũng phấn khởi, giá bán hiện tại có loại bằng năm ngoái, có loại tăng từ 5 - 10%, nên năm nay ăn tết chắc vui”, anh Thanh hào hứng nói.

Ngoài hộ anh Thanh thì thời điểm này đa số các vườn hoa của nông dân ở làng hoa Sa Đéc đều đã được thương lái từ các nơi đến tận vườn đặt cọc mua trước, dự kiến một số loại hoa Tết sẽ được xuất bàn giao cho thương lái từ ngày 17 tháng Chạp.

Được biết, diện tích trồng hoa ở Sa Đéc là hơn 620ha, trong đó hoa phục vụ riêng cho dịp Tết Canh Tý khoảng 100ha, cung ứng cho thị trường khoảng 3 triệu giỏ hoa các loại.

Nguồn: Báo nông nghiệp Việt Nam

 

 

Gà trống thiến ở Đồng Nai hút hàng  (10/01/2020)

Ngày 9-1, các hộ chăn nuôi ở huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) cho biết, năm nay do ảnh hưởng của bệnh dịch tả heo châu Phi, nhiều người chuyển qua nuôi gà, riêng loại gà trống thiến đang hút hàng và giá ổn định từ 110.000 - 120.000 đồng/kg, cao gấp đôi gà thường.

Theo người dân, cứ vào tháng 6 hàng năm, họ lại chuẩn bị từ 2.000 - 4.000 con gà nuôi bán tết, khi đàn gà được 60 ngày thì gọi thợ về thiến khoảng 2.000 con gà trống. Thời điểm này, người dân đang tích cực chăm sóc để đàn gà phát triển đúng số kilôgam và đạt các tiêu chuẩn bên ngoài như: có bộ lông đẹp, mượt, mào dài và thịt thơm ngon, chuẩn bị cung cấp cho các thương lái từ TPHCM. Mỗi dịp tết, trừ chi phí, người dân nuôi gà trống thiến lãi trên 150 triệu đồng.

Tại huyện Cẩm Mỹ, những năm gần đây, nhu cầu nuôi gà trống thiến ngày càng tăng mạnh. Việc bà con lựa chọn hướng chăn nuôi này nhằm giảm bớt sức ép từ thị trường gà thịt, đồng thời có đầu ra đảm bảo đã góp phần cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập khi tết đến xuân về.

Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng

 

 

Quýt hồng chưng Tết giá tiền triệu  (10/01/2020)

Ông Hà Thanh Hồng, 69 tuổi, ở huyện Lai Vung trồng 150 chậu quýt hồng cho trái chín ngay dịp Tết, được thương lái "bao tiêu" hết.

Các cây quýt được lão nông này chọn trồng vào chậu phải từ 1,5 đến 2,5 tuổi, cao khoảng 2 m, dáng đẹp. Hiện sau gần một năm chăm sóc đặc biệt, mỗi chậu quýt hồng cho từ 20 đến 70 trái tròn đều, bắt đầu chín, màu sắc bắt mắt.

"Tất cả được thương lái đến đặt hàng từ hai tuần trước, với giá một đến 8 triệu đồng mỗi chậu để mang đi bán khắp nơi", ông Hồng nói và cho biết các chậu quýt này có thời gian chưng hơn một tháng. Mức giá này tương đương Tết năm trước, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi khoảng 60%.

Huyện Lai Vung có hơn 10 hộ trồng quýt hồng đặc sản trong chậu cho trái và chín ngay dịp Tết với số lượng hạn chế nên giá gấp nhiều lần so với thu hoạch bán trái bình thường.

Toàn huyện có khoảng 850 ha quýt hồng, nhưng 30% bị chết trong năm 2019, nhiều diện tích còn lại bị sâu bệnh tấn công, sản lượng giảm mạnh.

Nguồn: Vnexpress

 

 

Hơn 500 tấn tỏi Đà Lạt cung ứng ra thị trường  (10/01/2020)

Theo số liệu thống kê từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 22,4 ha đất trồng tỏi (thấp hơn năm 2018 2 ha). Trong đó tập trung chủ yếu tại huyện Đức Trọng với diện tích 13 ha, Đà Lạt 4,1 ha và Đơn Dương 2,5 ha. Mặc dù được trồng ở các địa bàn khác nhau song nông dân và thương lái vẫn gọi chung loại nông sản này là tỏi Đà Lạt. Sản lượng chung trong năm nay đạt 501 tấn, giảm 23 tấn so với năm 2018.

Chị Thanh Vy - người dân trồng tỏi nhiều năm ở Đà Lạt cho biết: Diện tích trồng tỏi ở Đà Lạt không nhiều, chủ yếu ở các khu vực Thánh Mẫu, Đất Mới, Tùng Lâm thuộc địa bàn Phường 7. Tỏi Đà Lạt củ vừa, độ chắc cao, vỏ ngoài màu tím nâu, khó bóc; tỏi Đà Lạt có mùi thơm, cay nồng đặc trưng. Do diện tích sản xuất ít, chất lượng cao nên tỏi Đà Lạt được bán lẻ với giá dao động từ 90.000 - 100.000 đồng/kg song vẫn không đủ hàng để bán.

Thời điểm hiện tại nhiều nhà vườn đang thu hoạch tỏi để phục vụ thị trường tết, tuy nhiên sản lượng không lớn. Song tại các chợ trên địa bàn tỉnh thì lại bày bán nhiều loại tỏi gắn “mác” tỏi Đà Lạt, vì vậy khách hàng cần phải thận trọng để mua đúng sản phẩm chất lượng.

Nguồn: Báo Lâm Đồng

 

 

Quảng Nam: Kiệu mất mùa, mất giá, nông dân lao đao  (10/01/2020)

Nhiều nông dân trồng kiệu ở Quảng Nam đang vào mùa thu hoạch bán tết, hàng tấn kiệu tươi được thương lái thu mua, vận chuyển đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành. Nhưng trái ngược với thịt lợn, kiệu vừa mất mùa, vừa giảm giá khiến người nông dân ở Quảng Nam gặp nhiều khó khăn.

Những ngày đầu năm 2020, trên những cánh đồng cát trắng ở xã Bình Giang, Bình Phục, nông dân tất bật ra đồng thu hoạch kiệu bán cho thương lái, đồng thời làm đất xuống giống vụ mới. Không khí thu hoạch kiệu cũng trở nên trầm lặng hơn trước khi cả sản lượng và giá sụt giảm so với các năm.

Ông Trần Bích (60 tuổi, thôn 2, xã Bình Giang) cho hay, vụ kiệu lần này, ông xuống giống 6 sào từ tháng 7 âm lịch, chi phí đầu tư 3 triệu đồng/sào chưa tính công chăm sóc. Sau 5 tháng chăm sóc, đến kỳ thu hoạch nhưng củ kiệu rất nhỏ, dẫn đến năng suất thấp, do thời tiết nắng nóng kéo dài.

"Trồng kiệu phụ thuộc vào thời tiết khá nhiều, hệ thống tưới tiêu không đủ làm ảnh hưởng đến việc bón phân bị trễ hơn 1 tháng nên đem lại năng suất không cao, đồng thời giá ngày càng giảm"- ông Bích nói.

Năm nay năng suất kiệu của gia đình ông Bích đạt 200kg/sào (giảm khoảng 100kg/sào so với các năm trước), với giá dao động 25 - 30 nghìn đồng/kg thì vụ kiệu này gia đình ông thu lời khoảng 15 triệu đồng.

Cách đó không xa là đám kiệu của ông Trần Ngọc Vinh (65 tuổi, thôn Ngọc Sơn Tây, xã Bình Phục). Ông cùng vợ tranh thủ nhổ kiệu kịp giao cho thương lái đang thu mua quanh trong vùng.

Ông Vinh cho hay, vụ kiệu này gia đình ông trồng 2 sào giống kiệu Sài Gòn. Năm nay, năng suất không cao nên mỗi sào gia đình thu lời cũng được hơn 2 triệu đồng.

Theo nhiều thương lái thu mua kiệu ở huyện Thăng Bình, thời điểm đầu tháng Chạp họ bắt đầu thu mua kiệu, sau khi thu về sẽ phân loại kiệu lớn nhỏ khác nhau tùy theo sở thích ăn của từng miền.

Bà Nguyễn Thị Phương, một thương lái cho biết, số kiệu này được bà thuê xe tải chở vào TP.Hồ Chí Minh. "Đầu vụ giá kiệu khoảng 38.000 đồng mỗi kg nhưng đến nay chỉ còn 30.000 đồng và đang giảm tiếp", bà Phương nói.

Ông Lê Thông - Chủ tịch UBND xã Bình Phục cho biết, vùng trồng kiệu của xã Bình Phục khoảng 200ha, năm nay năng suất kiệu thấp, giá cả lại bấp bênh. Nhưng vì ở khu vực này toàn là đất cát nên rất ít cây nông nghiệp trồng được trên vùng đất này.

Nguồn: Báo Lao Động


Tin liên quan

Danh mục