A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin thị trường ngày 14/01/2020

 

Giáp tết, giá thịt heo lại 'nhảy múa'  (14/01/2020)

Cùng bán trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi nhưng giá thịt heo mỗi nơi mỗi khác, thậm chí cùng một loại nhưng chênh nhau khoảng 100.000 đồng/kg.

Không công bố rầm rộ tăng giá thịt nhưng theo khảo sát, giá nhiều loại thịt heo bán ra giáp tết tại các siêu thị được điều chỉnh tăng 5.000 - 20.000 đồng/kg tùy loại so với tháng trước.

Cụ thể, thịt heo tại cửa hàng Vissan trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh, TP.HCM bán ra chiều 13-1 với giá sườn non 280.000 đồng/kg, ba rọi rút sườn 250.000 đồng/kg, ba rọi 179.000 đồng/kg... Thịt heo các loại kể trên bán tại một số siêu thị Co.op Mart ở TP.HCM cùng ngày có giá tương tự Vissan.

Ngược lại, cũng bán dưới dạng thịt mát nhưng giá thịt heo bán ra tại nhiều cửa hàng Bách Hóa Xanh ở TP.HCM ngày 13-1 lại thấp hơn nhiều, như sườn non chỉ 209.000 đồng/kg. Đặc biệt, giá thịt heo tại nhiều chợ khá thấp so với giá siêu thị, thậm chí giá sườn non chỉ bằng 60 - 70%. Theo đó, giá thịt heo ở chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp), chợ Chiều (quận Bình Thạnh) chiều 13-1 với sườn non chỉ 160.000 - 200.000 đồng/kg (thấp hơn 80.000 - 120.000 đồng/kg so với một số siêu thị).

Theo khảo sát, giá heo hơi phía Nam đỉnh điểm từ mức 92.000 - 94.000 đồng/kg tháng 12-2019, sau đó giảm dần và đến nay ở mức 81.000 - 83.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá bán thịt heo bình ổn hiện nay tại nhiều đơn vị siêu thị đã tăng 15.000 - 25.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2019, thậm chí gấp đôi so với thời điểm giá tốt. Nhưng nhiều đơn vị vẫn than lỗ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 13-1, ông Nguyễn Ngọc An - tổng giám đốc Vissan - cho rằng mức tăng giá này là do Sở Tài chính cho phép tăng từ đầu năm 2020 và đúng theo quy định thấp hơn giá thị trường 5%, và mức giá hiện nay là hợp lý.

Thậm chí, theo ông An, nếu đơn thuần mua về giết mổ và bán ra thì hiện công ty lời 2%, nhưng nếu tính chi phí mặt bằng, quản lý, thuế, chiết khấu cho đối tác... đơn vị vẫn lỗ 16%. Nói về việc thịt chợ đang rẻ hơn nhiều so với đơn vị, ông An cho rằng thịt chợ có chi phí phát sinh thấp và cũng cần xem lại chất lượng, nguồn gốc thịt bán ra tại chợ.

Một số đơn vị cho hay khả năng hiện nay đang có lượng heo từ Campuchia đang bán chạy dịch về Việt Nam qua đường biên giới với giá bán khá thấp. Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Huỳnh Trang - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho biết TP đã chốt giá bình ổn cho các loại thực phẩm thiết yếu như thịt, trứng... từ ngày 1-1-2020. Do đó, thời gian tới giá các mặt hàng này sẽ giữ ổn định.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

 

 

Phập phồng mùa trái tết  (14/01/2020)

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Canh Tý, thời điểm này, bà con nông dân trồng trái cây đang tất bật chăm sóc vườn để chuẩn bị thu hoạch phục vụ thị trường tết...

Về tỉnh Đồng Nai những ngày này, không khí vào vụ chăm sóc trái cây tết của bà con nông dân đang tất bật.

Bưởi là loại trái cây không thể thiếu trong mâm ngũ quả ngày Tết Nguyên đán, chính vì vậy nhu cầu của người dân đối với loại trái cây này là rất lớn. Gia đình anh Huỳnh Văn Hoàng, ở ấp Ruộng Tre, xã Bảo Quang trồng được hơn 500 gốc bưởi. Theo anh Hoàng, để có bưởi bán đúng dịp tết, anh phải đầu tư chăm sóc, bón phân và tưới nước từ tháng 4 và đến nay vẫn tiếp tục dưỡng trái đợi ngày thu hoạch.

Trung bình mỗi năm, vườn bưởi của gia đình anh Hoàng cho sản lượng khoảng 30 tấn, trong đó, riêng vụ tết khoảng 10 tấn, với giá bán dự kiến 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh thu về khoảng 400 triệu đồng.

“Năm nay, lượng bưởi chuẩn bị cho thị trường tết của gia đình tôi không có nhiều như mọi năm, nhưng trái rải đều cây, cộng với việc chăm sóc cẩn thận nên mẫu mã và chất lượng bưởi tốt. Hy vọng năm nay giá bán sẽ cao hơn…”, anh Hoàng chia sẻ.

Tương tự, giống bưởi đường lá cam Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu) cũng luôn hút hàng vì được nhiều người tiêu dùng lựa chọn sử dụng hoặc dùng làm quà biếu tết. Tuy nhiên, bưởi đường lá cam năm nay không thuận, nhiều nhà vườn thu ít hoặc bưởi đã chín sớm hơn 1 tháng so với mọi năm.

Bà Trần Thị Phương Chi, nông dân trồng bưởi tại xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) nhận xét, bưởi đường lá cam không thuận, nhưng bưởi da xanh ruột hồng năng suất vẫn khá tốt, dự kiến nguồn cung vẫn dồi dào do diện tích giống bưởi này tăng rất nhanh trong vài năm trở lại đây.

Không chỉ riêng với bưởi, hiện tại ở nhiều địa bàn trồng xoài, thanh long của Đồng Nai cũng đang bắt đầu vào kỳ thu hoạch xoài nghịch vụ. Tuy nhiên, năm nay nhiều vùng xoài lớn trong tỉnh Đồng Nai bị giảm mạnh về năng suất.

Ông Nguyễn Văn Lý, nông dân xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) cho biết, hầu hết các vườn xoài cát Hòa Lộc trên địa bàn xã đều bị ảnh hưởng năng suất vì đợt xoài ra bông trúng ngay dịp mưa bão nhiều. Ngoài ra, nhiều vườn xoài trồng giống Đài Loan, giống ba mùa mưa cũng giảm mạnh năng suất do thời tiết bất thuận.

Còn ông Nguyễn Thanh Hùng, nông dân trồng thanh long ruột đỏ tại xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) chia sẻ: “Cuối năm nông dân trồng thanh long đều phải thắp đèn để cây ra hoa, kết trái nghịch vụ nên chi phí cao hơn hẳn vụ chính.

Năm nay, sản lượng trái thu hoạch cuối năm dự kiến cũng sẽ thấp hơn năm ngoái; thậm chí một số vườn phải bỏ cả lứa thu hoạch vì thời tiết nóng, lạnh thất thường khiến cây không đậu trái”.

Theo ông Hùng, với tình hình giá trái cây đầu vụ thấp như hiện nay, khi vào vụ thu hoạch rộ dịp tết Nguyên đán, loại trái cây này sẽ rất khó bán với giá cao vì từ đầu năm đến nay, thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc đang siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu.

Tiếp xúc với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Nga, chủ vựa thu mua trái cây tại xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) cho biết, tết năm nay sản lượng nhiều loại trái cây không tốt nhưng vẫn khó kỳ vọng giá cao. Hiện giá thanh long tuyển đạt chuẩn xuất khẩu chưa đến 30.000 đồng/kg, thấp hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều loại trái cây khác như bưởi đường lá cam loại tuyển cũng chỉ từ 500.000 - 600.000 đồng/chục (loại 12 trái), giá bao vườn chỉ từ 250.000 - 300.000 đồng/chục, giảm khoảng 100.000 đồng/chục so với cùng kỳ năm ngoái. Bưởi da xanh ruột hồng khoảng 32.000 - 35.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Giá các loại cam, quýt từ 10.000 - 14.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ…

Nguồn: Báo nông nghiệp Việt Nam

 

 

Đồng Tháp: Kiệu mùa Tết tăng giá, nông dân phấn khởi  (14/01/2020)

Còn khoảng hơn 10 ngày nữa sẽ đến Tết Nguyên đán, không khí thu hoạch kiệu trên khắp cánh đồng trồng kiệu của huyện Tam Nông đang rất nhộn nhịp và tất bật. So với cùng kỳ năm trước, giá kiệu Tết năm nay tăng mạnh nên nhiều nông dân trồng kiệu rất phấn khởi.

Hiện tại, kiệu tươi được thương lái thu mua tại ruộng có giá từ 13 ngàn - 15 ngàn đồng/kg; kiệu giống từ 25.000 - 28.000 đồng, so với cùng kỳ năm 2019, giá kiệu Tết năm nay tăng từ 4.000 - 5.000 đồng/kg.

Anh Trần Minh Tân ở xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông cho biết, để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2020, năm nay, gia đình xuống giống hơn 1ha, hiện tại đã thu hoạch gần hết. So với năm ngoái, giá kiệu Tết năm nay có phần khả quan hơn. Song do ảnh hưởng thời tiết nên năng suất kiệu năm nay không cao, năng suất trung bình khoảng từ 3 - 3,5 tấn/ công (1.300m²), chi phí sản xuất dao động từ khoảng 25 triệu - 30 triệu đồng/công. Sau khi trừ hết chi phí, trung bình mỗi công lãi khoảng 10 triệu đồng, so với trồng lúa thì trồng kiệu cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông, toàn huyện xuống giống 95ha kiệu, tập trung nhiều nhất ở 3 xã: Phú Hiệp, Phú Đức, Phú Thành B. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của nhiều đợt giảm giá sâu từ đầu năm và giữa năm 2019 nên toàn huyện hiện chỉ có khoảng 20ha kiệu phục vụ Tết Nguyên đán, giảm trên 50% diện tích so với cùng kỳ năm trước. Do nguồn cung khan hiếm, trong khi đó nhu cầu sử dụng kiệu để làm dưa vào dịp Tết tăng cao nên giá kiệu năm nay tăng mạnh so với mùa Tết năm ngoái.

Nguồn: Báo Đồng Tháp

 

 

Đồng Tháp: Giá cá lóc tăng, làm khô cá vẫn tấp nập cả ngày lẫn đêm  (13/01/2020)

Thời điểm này, dù giá cá lóc nguyên liệu đang tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, nhưng tại làng nghề làm khô cá lóc ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp vẫn đang tấp nập, nhộn nhịp làm khô cá cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và giá bán khô vẫn giữ ổn định, không tăng.

Toàn xã Phú Thọ hiện có 1 Phú Nông hội quán, 1 Công ty khô cá lóc Tứ Quý và gần 200 hộ nuôi cá lóc và chế biến khô cá lóc cung cấp bình quân sản lượng khoảng 4,3 tấn/ngày.

Xã còn có 50 cơ sở chế biến và bán cá khô các loại. Mỗi cơ sở chế biến thu hút từ 10 - 15 lao động làm việc ngày đêm. Các cơ sở chế biến khô cá lóc ở xã Phú Thọ đang tăng nhịp độ sản xuất. Trung bình, mỗi cơ sở làm ra từ 50 - 70 kg khô cá lóc thành phẩm các loại/ngày và cung cấp ra thị trường trong và ngoài huyện Tam Nông trên 50 kg khô cá lóc/ngày.

Lúc cao điểm, một cơ sở  bán được cả trăm kg khô cá lóc các loại. Giá bán mỗi kg khô cá lóc hiện đang dao động từ 150.000 - 170.000 đồng tùy loại (không tăng so với cùng kỳ năm trước).

Cứ 4 kg cá lóc tươi sẽ làm ra được 1 kg cá lóc khô và phải phơi từ 3 - 4 nắng mới xuất bán được. Tuy nhiên, người tiêu dùng hiện nay lại thích ăn khô cá lóc phơi 1 nắng, có giá bán dao động 100.000 đồng/kg.

Bà Nguyễn Mai Trinh - chủ cơ sở chế biến khô cá lóc Thảo Ngân, xã Phú Thọ cho biết: Khô cá lóc ở đây thơm, ngon và có hương vị riêng, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Hầu hết sản phẩm khô cá lóc ở xã Phú Thọ đều được làm thủ công và phơi dưới ánh nắng mặt trời, giá bán phải chăng…

Bà Trinh bày tỏ: “So với năm rồi mình bán khô cá cũng chạy y chang hà, bán khô cá năm nay cũng đắt hàng vậy đó. Thị trường tiêu thụ là Sài Gòn, Bình Dương... Khô cá lóc 1 nắng giá thành 120.000 đồng/kg, khách hàng cũng chuộng lắm, chiên-nướng ăn liền thì nó ngon...”

Năm nay, làng nghề làm khô cá lóc ở xã Phú Thọ vừa được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định công nhận nhãn hiệu hàng hóa làng khô cá lóc Phú Thọ nên tăng giá trị sản phẩm khô cá lóc, rất thuận tiện trong việc tiêu thụ sản phẩm khô cá lóc nơi đây.

Tại cơ sở làm khô cá đồng Phan Chao ở xã Hòa Bình, huyện Tam Nông vào thời điểm này, chúng tôi chứng kiến cảnh tất bật làm ra sản phẩm để cung cấp cho thị trường Tết.

Bà Nguyễn Thị Ngoãn - Chủ cơ sở khô cá Phan Chao cho biết: Nguyên liệu sản xuất khô cá của Cơ sở được đặt mua từ những người dân đánh bắt ngoài tự nhiên chở tới tận nơi.

Trung bình, mỗi ngày cơ sở của bà Ngoãn làm ra trên 50 kg khô cá lóc đồng, khô cá kết, khô cá trèn, khô cá chạch… thành phẩm và cung cấp ra thị trường từ 20 - 25 kg khô cá đồng các loại. Lúc cao điểm, cơ sở  bán được từ 30 - 50 kg khô cá đồng các loại trở lên. Giá bán mỗi kg khô cá lóc đồng là 500.000 đồng/kg, khô cá kết, khô cá chạch mỗi ký 400.000 đồng.

Cứ 4 - 5kg cá lóc đồng, cá chạch, cá kết tươi sẽ làm ra được 1 kg cá khô và phơi từ 3 - 4 nắng mới xuất bán được. Sản phẩm khô cá đồng của cơ sở Phan Chao đều được đưa vào bao bì, ép chân không cẩn thận, không chất bảo quản, đảm bảo an toàn thực phẩm và giá bán phải chăng.

Ngoài ra, cơ sở Phan Chao còn sản xuất và bán khô trâu với giá 600.000đồng/kg. Nhiều khách hàng thưởng thức khô cá đồng, khô trâu của Cơ sở Phan Chao sản xuất đều khen hương vị thơm ngon, an toàn thực phẩm… nên đặt mua nhiều.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp trong chuyển khảo sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn huyện Tam Nông đã ghé Cơ sở sản xuất khô cá Phan Chao. Ông Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp đã đánh giá cao mô hình này.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đề nghị chủ cơ sở bổ sung thêm trên bao bì sản phẩm về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, hệ thống bảo quản…Ông chỉ đạo ngành nông nghiệp và địa phương hỗ trợ cơ sở giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại của tỉnh, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại các khu điểm du lịch…

Đồng thời, để mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ, ông Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp đã hướng dẫn cơ sở nên liên hệ với Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp tỉnh để được tiếp cận các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh…

Nguồn: Dân Việt

 

 

Nông dân Sa Đéc thu lãi to do trúng mùa cúc mâm xôi  (12/01/2020)

Nhà vườn trồng cúc mâm xôi tại làng hoa Sa Đéc đang tất bật giao hoa cho thương lái đến các chợ hoa tết trên cả nước. Nhờ bán được giá cao nên nông dân phấn khởi.

Mùa hoa Tết Nguyên đán 2020 này, nông dân làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cung cấp cho thị trường 250.000 giỏ hoa cúc mâm xôi, tăng khoảng 50.000 giỏ so với cùng kỳ năm rồi. Những ngày này nông dân đang tất bật giao hàng cho thương lái vận chuyển đi tiêu thụ ở khắp nơi trên cả nước.

Ông Phạm Văn Bòn (52 tuổi, tên thường gọi Ba Bòn) ngụ khóm Tân Hòa, P.Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc cho hay, mùa hoa tết năm nay trồng 6.500 giỏ cúc mâm xôi trên diện tích 5.000 m². Nhờ xuống giống đúng thời điểm, theo dõi chăm sóc thường xuyên và thời tiết thuận lợi nên số cúc mâm xôi ra hoa đúng tết được trên 5.000 giỏ. Từ giữa tháng 11 âm lịch, tất cả số cúc mâm xôi của ông đã được thương lái đặt cọc mua với giá 170.000 đồng/cặp, tăng 30.000 đồng/cặp so với năm rồi.

Ông Phạm Văn Bòn phấn khởi nói: “Năm nay rất mừng là cúc mâm xôi của tôi trồng đạt khá, nở đúng tết nên được thương lái đặt mua sớm. Năm rồi bán chỉ 140.000 đồng/cặp còn năm nay bán được 170.000 đồng/cặp. Chưa tính công lao động của hai vợ chồng, trừ chi phí cũng lãi gần 30.000 đồng/cặp”.

Những ngày này các nhà vườn trồng cúc mâm xô tại xã Tân Khánh Đông, TP.Sa Đéc đang gấp rút giao cúc mâm xôi cho thương lái vận chuyển đi tiêu thụ. Ông Võ Văn Quyền (ấp Đông Huề, xã Tân Khánh Đông) trồng 4.000 giỏ cúc nói: “Năm nay do tôi xuống giống trễ nên cúc chưa đạt lắm. Tuy nhiên, thương lái cũng lấy hết hàng với giá 160.000 đồng/cặp. Trừ chi phí cũng còn lãi 10.000 đồng/cặp”.

Càng đến cận tết, thương lái từ các nơi về làng hoa Sa Đéc tìm mua cúc mâm xôi càng tăng, giá cúc cũng dần tăng lên. Tùy theo hoa nở đúng tết và có tàng hớn hay nhỏ mà giá bán của các nhà vườn cho thương lái cao hay thấp. Giá dao động từ 160.000 đến 180.000 đồng/cặp, nếu người mua từng chậu giá hơn 200.000 đồng/cặp. Trừ chi phí sản xuất, nhà vườn còn lãi từ 20.000 - 50.000 đồng/giỏ.

Chị Bảy Phượng, thương lái mua hoa kiểng ở TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang nói: “Năm nào tôi cũng qua Sa Đéc mua cúc mâm xôi về bán tết. Năm nay tôi đến trễ nên đa số nhà vườn đã bán cho người khác nên tìm mua hoa rất vất vả. Giá hoa năm nay ngay tại vườn đã cao hơn năm rồi vài chục ngàn đồng/cặp chắc chắn giá bán tại chợ sẽ rất cao”.

Ông Đỗ Văn Thậm, Trưởng phòng Kinh tế TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cho hay, mùa hoa tết 2020 nhà vườn tại TP.Sa Đéc trồng và cung cấp cho thị trường khoảng 250.000 giỏ hoa cúc mâm xôi, nhiều hơn cùng kỳ năm rồi 50.000 giỏ. Lượng hoa trồng đạt, nở đúng tết xấp xỉ như năm rồi, nhưng giá bán cao hơn khoảng 20% nên người dân rất mừng.

Cúc mâm xôi là loại hoa trồng lâu ngày nhất trong số các loại chuyên bán tết tại làng hoa Sa Đéc. Ngay từ cuối tháng 5 âm lịch hằng năm, các nhà vườn đã bắt đầu xuống giống hoa và trải qua 6 tháng ròng chăm sóc mới có hoa bán tết. Thế nhưng theo các nhà vườn, cúc mâm xôi cũng rất “đỏng đảnh” nếu thời tiết mưa nắng thất thường hoa sẽ nở không đúng tết, thương lái không mua xem như lỗ trắng.

Do cúc mâm xôi nở hoa đẹp, thời gian nở hoa kéo dài khoảng 1 tháng nên được nhiều người chọn chưng tết.

Nguồn: Báo Thanh Niên


Tin liên quan

Danh mục