A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin thị trường ngày 15/01/2020

 

Giá rau Đà Lạt sẽ không 'nhảy múa'  (15/01/2020)

Năm nay rau Đà Lạt được dự tính không thiếu, không tăng giá trong dịp tết.

Chiều 14-1 (20 tháng chạp), hàng loạt đơn vị cung ứng nông sản Đà Lạt cho các siêu thị, chợ đầu mối tại TP.HCM và các tỉnh đã xuất đi những chuyến hàng đầu tiên. Các đơn vị cung ứng từ Đà Lạt cho biết dịp tết năm nay giá nông sản sẽ không tăng, thậm chí giảm nhẹ dù nhu cầu tiêu thụ nông sản trong dịp tết tăng cao.

Để cung ứng nông sản cho thị trường vào dịp tết năm nay, vùng rau Đà Lạt gồm TP Đà Lạt và các huyện lân cận đã xuống giống hơn 2.500 hecta rau, củ các loại. Diện tích này tương đương với diện tích nông sản vào các năm trước. Với diện tích như trên sẽ có hơn 8.000 tấn nông sản được đưa ra thị trường trong dịp tết (gồm trước và 15 ngày sau tết).

Tính đến thời điểm hiện tại, mỗi ngày các công ty cung ứng nông sản lớn xuất đi 200 tấn rau, củ. Lượng nông sản xuất đi từ Đà Lạt sẽ tăng khoảng 10% vào những ngày cận tết.

Ông Nguyễn Công Thừa, tổng giám đốc Hợp tác xã Anh Đào (Đà Lạt), cho biết năm nay là năm đặc biệt khi giá thu mua và bán nông sản không tăng cao, thậm chí có xu hướng giảm nhẹ. "Thời gian cận tết Đà Lạt có 2 tháng rưỡi nắng nhiều, mưa nhỏ và ít. Đây là nguyên nhân chính khiến sản lượng nông sản tăng so với cùng thời điểm các năm trước" - ông Thừa nói.

Đại diện Công ty Phong Thúy (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) cho rằng việc nông dân trồng nông sản bắt đầu quen với lối làm việc dựa trên hợp đồng hợp tác liên kết và cung ứng nông sản khiến cho giá thu mua và xuất bán được xác lập ngay từ khi chưa bắt đầu vụ tết. Điều này khiến những ngày cận tết năm nay giá nông sản không "nhảy múa" như các năm.

Ghi nhận của UBND TP Đà Lạt, những năm trước nông sản thiếu hụt và tăng giá mạnh là nhóm nông sản phổ biến gồm các loại xà lách, hành lá, cải, khoai tây, khoai lang, dưa leo, cà rốt...

Tuy nhiên, năm nay tại Đà Lạt giá thu mua các loại rau phổ biến tại cửa vườn hoặc tại vựa từ nay đến ngày cuối cùng chuyển nông sản đi các tỉnh (27 tháng chạp đối với các tỉnh phía Bắc và 29 tháng chạp đối với TP.HCM và tỉnh phía Nam) đã được chốt: không tăng so với ngày thường. 95% nông sản Đà Lạt xuất bán đi TP.HCM và các tỉnh đều đạt tiêu chuẩn "Rau an toàn" do tỉnh Lâm Đồng xây dựng nhằm quản lý chất lượng nông sản tại địa phương.

Nguồn: Báo tuổi trẻ

 

 

Xuất khẩu thủy sản duy trì đà tăng trưởng  (15/01/2020)

Năm 2019, thủy sản, ngành hàng tỷ USD, vẫn duy trì tốt đà tăng trưởng khi tăng gần 7% về sản lượng và giá trị so với năm 2018.

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Tập đoàn Nam Việt đạt khoảng 150 triệu USD. Tuy nhiên, kết thúc năm 2019, con số trên tăng thêm 50 triệu USD. Trong năm mới 2020, Tập đoàn Nam Việt tiếp tục đưa ra mục tiêu tăng trưởng cao hơn.

Không đặt mục tiêu tăng trưởng cao như vậy, Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam kỳ vọng, kim ngạch xuất khẩu tôm của đơn vị tiếp tục tăng trưởng khoảng 10% như năm 2019. Để đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2020, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, đơn vị đã đưa ra cách làm mới.

2019 là năm ngành thủy sản nước ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức như: dịch bệnh liên tục xuất hiện, nguồn nguyên liệu sụt giảm, thị trường đưa ra hàng loạt rào cản mới… Năm 2020, ngành thủy sản đặt mục tiêu đạt được 9 tỷ USD về giá trị xuất khẩu, tăng 7% so với năm 2019. Với sự chuẩn bị tích cực từ các doanh nghiệp, ngành thủy sản được kỳ vọng sẽ sớm đạt được và giữ vững tốc độ tăng trưởng nói trên.

Nguồn: Vtv.vn

 

 

Đặc sản chợ tết miền Tây  (15/01/2020)

Chừng sau 20 tháng Chạp, chợ tết ở miền Tây bắt đầu rộn ràng, hoa quả ra phố, đơm đầy các gian hàng.

Tết năm nay hàng bán tết ra chợ tuy không thiếu, nhưng giá bán đắt đỏ hơn gấp đôi ba lần nếu muốn mua hàng đặc sản. 

Nhiều xóm làng nghề lo nguồn hàng đón chợ tết phải chuẩn bị nguyên liệu từ trước một hai tháng, lên kế hoạch thu mua, dự trữ sẵn sàng để được giá bán ổn định, giữ chân các mối khách đặt hàng. Tuy vậy, hầu như mọi kế hoạch bị đảo lộn không như dự tính.

Từ mấy năm gần đây, cơ sở làm khô hải sản bán tết Tiến Hải ở xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, Trà Vinh ăn nên làm ra nhờ nằm cận kề bên bờ biển Đông. Nguồn cá tôm của các đội tàu khai thác biển mang về chế biến, đóng gói bao bì sạch sẽ bán đi khắp các tỉnh trong vùng, tiêu thụ mạnh nhất ở tỉnh Trà Vinh và TP.HCM.

Ông cho biết: Năm nay sản lượng hải sản đánh bắt tự nhiên thất mùa, mất đi khoảng 50%. Một số tàu đánh cá chỗ thân quen có thể dò tìm không trúng được luồng cá. Nhưng có lẽ do thiên nhiên ngày càng cạn kiệt trong khi nhu cầu tiêu thụ những sản phẩm thiết yếu như tôm khô, khô cá các loại tăng mạnh vào dịp tết.

Tôi đã thuê nhân công hết rồi, giờ không có nguyên liệu thì cũng phải trả lương. Lao động hiện nay làm cho cơ sở là 8 người, là buộc phải giảm 4 người so với năm trước. Chỉ vì thiếu nguyên liệu, cá tôm từ trước tết 2 tháng đã tăng 30-40% nên buộc cơ sở sản xuất phải nâng giá bán.

Theo dự kiến giá hàng khô đặc sản sẽ tăng 25-40% so với năm ngoái. Hiện nay giá tôm khô loại 1 là 1,5 triệu đồng/kg, tôm đất nguyên vỏ giá 900.000 đồng/kg, khô cá khoai 700.000 đồng/kg, khô cá kèo 300.000 đồng/kg, tôm tẩm gia vị từ 800.000 – 1.000.000 đồng/kg… Tôi dự trù đưa ra chợ tết 15 tấn tôm khô, khô các loại mà chưa biết có làm được không.

Qua hơn nửa năm nhiều địa phương đối phó vất vả bệnh dịch tả heo Châu Phi để giữ nguồn cung thịt heo nhất là cho ba ngày tết. Nhưng dù lo trước, lo xa, gần tết giá heo hơi tăng vọt khiến cho các cơ sở chế biến thực phẩm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thịt heo chới với và hoàn toàn bị động.

Anh Nguyễn Trường Chinh, Cơ sở chả hoa Năm Thụy có tiếng ngon độc đáo ở Trà Vinh, thở dài: Mấy năm trước, từ trước tết một hai tháng đã có kế hoạch thu mua dự trữ nguyên liệu nhưng năm nay kho gần như trống hoác. Nguồn thịt heo nội tỉnh cũng rất ít thậm chí là không có, giá tăng cao.

Vì vậy cơ sở sản xuất chưa dám lên biểu giá với khách đặt hàng. Đành sản xuất tới đâu bán tới đó. Hiện nay giá chả tăng 10-20%. Ví như trước đây một cây chả 70.000 đồng, nay tăng lên 84.000 đ/đòn (500 gam/cây). Đó là mức giá cơ sở cố gắng giảm lãi để không biến động giá (nếu bán đúng giá thì phải 100.000 đ/cây).

Ngược về vùng đầu nguồn Châu Đốc, An Giang – nơi có chợ mắm cá nổi tiếng cả nước, với lợi thế đón nguồn nguyên liệu cá dồi dào từ mùa lũ hàng năm. Mấy năm qua lũ nhỏ, mất đi mùa lũ chợ mắm đang xoay xở nguồn nguyên liệu nhiều cách khác nhau.

Ông Nguyễn Phụng Hoàng, giám đốc công ty TNHH MTV Bà Giáo Khỏe 55555, cho hay: Năm nay bị thiếu nguyên liệu trầm trọng. Trong khi các đơn hàng tăng khoảng 15% nhưng không dám nhận.

Hiện nay công ty lo giữ các mối làm ăn lâu năm, cố gắng giữ giá, có khi chịu thiệt một chút để giữ uy tín với khách hàng. Mới đây có đối tác ở Mỹ đặt mua hàng, nhưng không dám ký hợp đồng chủ yếu là lo thiếu nguồn nguyên liệu.

Hiện nay hàng của công ty Bà Giáo Khỏe 55555 xuất khẩu chiếm 60-80%. Tết năm nay, sản lượng dự kiến là 50-60 tấn khô, bột mắm, nhưng chưa biết có thực hiện được không. 

Hàng đặc sản từ các địa phương phần nhiều có nguồn nguyên liệu từ nông - thủy sản được chế biến đặc trưng, có xuất xứ rõ ràng của một địa phương hay một vùng nào đó. Lẽ thường người dân địa phương thường rất tự hào về sản phẩm đặc sản của địa phương mình. Như dân làng nghề ở Trà Vinh nói tôm khô Trà Vinh là nhất. Người Cà Mau cũng bảo rằng khô Cà Mau ngon nhất.

Ông Dương Tiến Hải dẫn giải: Giá tôm khô còn phụ thuộc vào loại tôm, chất lượng tôm nguyên liệu, có phẩm màu không, chế biến thủ công hay không… Vì vậy không thể so bì với giá tôm bán hàng la ngoài chợ.

Cơ sở Tiến Hải có sản phẩm tôm khô và khô cá khoai là bán chạy nhất. Điều kiện sản xuất cũng đổi thay, giảm dần các công đoạn tay chân. Cơ sở trang bị đầy đủ thiết bị sản xuất như: nồi hơi, nồi luộc tôm, thùng sấy, kho lạnh, máy đóng gói, nhà xưởng; áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, tiết kiệm được năng lượng, không làm ô nhiễm môi trường.

Ở Trà Vinh tết năm nay bán bánh tét Trà Cuôn, bánh chưng bán qua Mỹ. Bà Nguyễn Diễm Phúc, cơ sở bánh tét Hai Lý, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh, cho biết: Bên cạnh thị trường trong nước, tết năm nay Hai Lý xuất được 3 đơn hàng tới Cali (Mỹ), với loại bánh tét, bánh chưng nhân đậu, nếp, chuối, vị mặn…, bánh được cấp đông bảo quản trong 6 tháng. Tín hiệu phản hồi từ khách hàng báo về rất tốt nên cơ sở sản xuất chuẩn bị cho các đơn hàng tiếp theo.

Lo hàng tết gần kề, cơ sở làm ra 1.000 bánh/ngày. Tuy nhiên nhiều thứ nguyên liệu đang tăng: Lá chuối, dây buộc, thịt, đậu cho tới nếp đều tăng nên hiện thời giá bánh tăng thêm 5.000-10.000 đồng/bánh so với ngày thường.

Vào các siêu thị hay các sạp hàng tạp hóa ở các chợ truyền thống, hàng đậu phộng (lạc) rang tuy không hề thiếu nhưng giá rụch rịch tăng là do khâu nguyên liệu quanh vùng thiếu hụt.

Anh Đinh Công Minh Thông, giám đốc Cty Đinh Gia Foods, Bình Thủy, Cần Thơ, nói: Năm nay vùng trồng đậu phộng ở quanh khu vực lân cận không có đủ cho nên công ty phải tìm lên Đăk Lăk hay Tây Ninh mới mua có hàng. Giá theo chi phí vận chuyển đội lên đôi chút. Nhưng sản phẩm cạnh tranh nhau là công nghệ chế biến, bảo quản tốt sẽ giúp tạo giá trị gia tăng cho hàng đặc sản.

Chị Thanh Trúc, nhân viên bán hàng Satra, Cần Thơ, nói: Cửa hàng vừa có thêm quầy hàng đặc sản giới thiệu và bán hàng Việt. Bên cạnh hàng đặc sản từ các tỉnh miền Tây còn có đặc sản từ Đà Lạt và một số địa phương vùng miền khác như: Quà lưu niệm, mật ong, rượu, cà phê, thực phẩm đóng hộp… Giá cả tùy theo nhà cung cấp, cửa hàng bán đúng theo giá niêm yết, giá cạnh tranh. Nhưng trong giỏ quà tết đang tăng dần nhiều sản phẩm đặc sản. Chứng tỏ hàng ngon luôn có chỗ tốt.

Nguồn: Báo nông nghiệp Việt Nam

 

 

Khánh Hoà: Mất mùa chuối Tết  (15/01/2020)

Mùa chuối Tết đang đến gần, vậy nhưng năm nay người trồng chuối lại kém vui. Lý do là chuối Tết mất mùa, sản lượng thấp; trong khi đến thời điểm này, người thu mua chuối vẫn chưa thấy đâu.

Những ngày này, ông Nguyễn Văn Thông - hộ trồng chuối lớn tại xã Suối Cát (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) tất bật lên rẫy để coi rẫy chuối ở khu vực Suối Lau, chuẩn bị cho vụ thu hoạch Tết. Thế nhưng, ông không được vui khi rẫy chuối xác xơ, chẳng được mấy quầy có thể bán dịp Tết. “Năm nào cũng vậy, nông dân trồng chuối lại trông chờ vào vụ chuối Tết, bởi giá bán thường cao hơn gấp 3 đến 4 lần so với ngày thường. Thế nhưng, vụ chuối Tết năm nay mất mùa thấy rõ, 10 quầy chuối thì chỉ được 2 - 3 quầy bán đúng dịp Tết, còn lại già sớm hoặc non, không đúng dịp. Như gia đình tôi có 3 rẫy chuối, diện tích hơn 2ha, những năm trước thu được ít nhất cũng cả tấn chuối nhưng năm nay chỉ được 3 - 4 tạ”, ông Thông nói.

Nhiều hộ khác ở xã Suối Cát cũng rơi vào cảnh mất mùa chuối Tết. Theo thông tin của UBND xã Suối Cát, địa phương có vựa chuối lớn nhất huyện Cam Lâm, toàn xã có hơn 450ha chuối. Năm nay, sản lượng chuối Tết chỉ đạt khoảng 30% so với những năm trước. “Nguyên nhân là do nhiều diện tích đã được người dân chuyển sang trồng các loại cây khác, bệnh sâu lửa khiến cho nhiều diện tích chuối bị thiệt hại nặng. Chắc chắn thu nhập của người trồng chuối trên địa bàn xã sẽ giảm nhiều”, ông Lương Đức Huệ - Chủ tịch UBND xã Suối Cát nói.

Người trồng chuối ở huyện Khánh Sơn cũng không vui khi vụ chuối Tết năm nay không như ý muốn. Theo người trồng chuối địa phương, nắng hạn kéo dài nhiều tháng liền, nhiều rẫy chuối không kịp phục hồi, không ra buồng. Trung bình những năm thuận lợi, 1ha chuối có thể cho thu hoạch 5 - 7 tạ chuối bán dịp Tết, nhưng năm nay chỉ thu được chừng 2 tạ/ha.

Ông Lê Ánh Sáng - Chủ tịch UBND xã Thành Sơn (Khánh Sơn) cho biết, địa phương có khoảng 500ha chuối, chiếm khoảng 50% diện tích chuối của toàn huyện. Nếu những năm trước, sản lượng chuối Tết của người dân trong xã đạt hơn 200 tấn thì năm nay chỉ được khoảng 1/3. Cây chuối gắn bó với hầu hết các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn nên nguồn thu từ chuối Tết giúp nhiều hộ có thêm tiền để sắm Tết, sinh hoạt trong gia đình. Năm nay, người dân thất thu vì chuối mất sản lượng. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương khác trong huyện.

Đi dọc Tỉnh lộ 9 những ngày giữa tháng Chạp, chúng tôi vẫn chưa bắt gặp các thương lái đến đặt hàng thu mua chuối Tết. Điều này càng khiến nhiều người trồng chuối thêm phần lo lắng khi chưa biết vụ chuối năm nay sẽ ra sao, giá cả thế nào. Hỏi thăm bà Nguyễn Thị Lành ở xã Cam Phước Tây (Cam Lâm), người chuyên thu mua chuối ở Khánh Sơn, bà cho biết, chuối Tết rất được người dân các tỉnh miền Trung ưa chuộng nên có nhu cầu lớn vào dịp Tết. Nếu như những năm trước, thời điểm này thương lái từ các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Huế… đã tìm đến khảo sát, ra giá, đặt hàng, thì năm nay vẫn chưa thấy ai tìm đến các vựa chuối trong tỉnh. Năm trước, giá chuối đẹp có thời điểm lên đến 18.000 đồng/kg, chuối kém hơn có giá khoảng 15.000 đồng/kg. Năm nay, sản lượng thấp nên hy vọng giá chuối sẽ cao hơn.

Nguồn: Báo Khánh Hoà

 

 

Giá tôm tăng những ngày cận tết  (14/01/2020 )

Sau thời gian dài giá tôm liên tục đứng ở mức thấp, hiện giá tôm tăng trở lại do nguồn cung khan hiếm. Vì thế, nhiều nông dân phấn khởi với vụ tôm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Lũy kế đến nay, diện tích thả nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Long An là 570,1ha (bao gồm diện tích còn lại năm 2019 chuyển sang 482,2ha), trong đó tôm sú 73,6ha, tôm thẻ chân trắng 496,5ha, bằng 8,6% kế hoạch, bằng 84,6% so cùng kỳ. Trong tuần, diện tích thu hoạch 19,4ha với sản lượng 66,1 tấn. Theo đánh giá của các thương lái và người dân nuôi tôm, tôm nuôi vụ tết thường tiêu thụ mạnh, giá cao, dễ bán. Vì dịp tết thường diễn ra các lễ hội, tiệc cưới, liên hoan, trong đó các món ăn chế biến từ tôm được nhiều người ưa thích. Nguồn sản phẩm được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.

Anh Nguyễn Tuấn Khanh, ngụ xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, thông tin: “Giá tôm vụ tết năm nay khá cao. Tôm thẻ chân trắng cỡ nhỏ, khoảng 100 con/kg có giá dao động từ 95.000-100.000 đồng/kg; còn loại trung bình, cỡ lớn từ 130.000-150.000 đồng/kg. Mức giá này ổn định lâu dài thì nuôi tôm không lo bị lỗ.Chỉ cần đạt sản lượng 2-3 tấn/ao 2.000m2 là có lãi từ 100 triệu đồng trở lên. Hiện tại, tôi còn 1 ao hơn 1.000m2 chuẩn bị thu hoạch, ước tính khoảng trên 1 tấn tôm. Với giá bán 130.000 đồng/kg, tôi có lãi trên 50 triệu đồng. Năm nay, người dân chúng tôi ăn tết khỏe”. Cũng như anh Khanh, anh Châu Thanh Tâm, ngụ cùng địa phương, chia sẻ: “Trong điều kiện khó khăn vì sự cố môi trường nuôi, nhiều vụ thua lỗ, vụ tôm tết năm nay được mùa là nguồn động viên rất lớn, giúp người dân có điều kiện tái sản xuất, bám nghề. Vụ nuôi dịp tết này, bình quân mỗi hộ lời được vài trăm triệu đồng/ha. Hiện gia đình tôi chuẩn bị thu hoạch 1 ao khoảng 0,5ha và cũng tranh thủ thời tiết thuận lợi tập trung cải tạo ao còn lại, qua tết sẽ thả nuôi vụ tiếp theo”.

Bên cạnh đó, việc nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cũng mang lại hiệu quả đáng kể trong những ngày cận tết. Ông Châu Văn Suy (xã Tân Chánh, huyện Cần Đước) cho hay: “Do chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm rất lớn, khoảng 1,5 tỉ đồng/ha, nên rất ít người dám đầu tư. Thời gian qua, ngoài 1ha ao nuôi đang thực hiện mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, với năng suất đạt gần 15 tấn/ha/vụ, gia đình tôi còn có 2ha tôm nuôi theo hướng công nghiệp, với năng suất từ 2-2,5 tấn/ha/vụ. Theo tôi, khi nuôi tôm theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tôm dễ chăm sóc, kiểm soát hơn, rủi ro ít hơn, lợi nhuận tăng, nhất là giá tôm thị trường cận tết đang cao. Hiện giá tôm tăng từ 20-30% so với 2 tháng trước.Hy vọng, giá tôm này sẽ duy trì và kéo dài qua Tết Nguyên đán”.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Cẩm Vân thông tin: “Những năm gần đây, việc nuôi tôm của nông dân gặp nhiều khó khăn như: Ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, thời tiết diễn biến thất thường,...Cùng với đó, nông dân cũng chưa vệ sinh, xử lý ao, đầm đúng với yêu cầu kỹ thuật, tình trạng lạm dụng các loại thuốc kháng sinh vẫn còn diễn ra phức tạp, chưa thể kiểm soát được. Trước tình hình trên, các ban, ngành chuyên môn phối hợp chính quyền địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn cho người dân về quy trình kỹ thuật, quản lý chất lượng giống, vật tư, thức ăn nuôi tôm, quản lý môi trường,… Đồng thời, khuyến cáo người dân thường xuyên vệ sinh ao, đầm và cẩn trọng trong việc chọn con giống. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh trên tôm, thực hiện phương châm phòng bệnh là chính, hạn chế sử dụng các loại thuốc kháng sinh. Ngoài ra, khuyến khích người dân thực hiện các mô hình luân canh hoặc nuôi kết hợp với vật nuôi khác nhằm hạn chế dịch bệnh, bảo đảm năng suất và chất lượng”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết, để bảo đảm duy trì diện tích và sản lượng tôm trong năm 2020, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng khung lịch thời vụ và tổ chức các đợt quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh để thông tin, khuyến cáo kịp thời đến các địa phương; chủ động thực hiện các giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ từ khâu tuyên truyền, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, quan trắc môi trường nước, phòng, chống dịch bệnh, thanh, kiểm tra vật tư đầu vào, quản lý chặt chẽ con giống và tổ hợp tác, hợp tác xã,... cho đến việc xây dựng chuỗi liên kết. Mục tiêu đặt ra là phát triển ổn định tôm nước lợ, hạn chế thiệt hại cho tôm nuôi; thường xuyên cập nhật, thử nghiệm và chuyển giao, giới thiệu cho người nuôi những kỹ thuật, mô hình nuôi tiến bộ, hiệu quả; hướng dẫn người nuôi về các giải pháp kỹ thuật, tổ chức sản xuất và theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu, dịch bệnh...; tập trung phát triển ngành tôm theo hướng sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao.

“Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản phối hợp địa phương phổ biến lịch mùa vụ nuôi tôm; tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, ươm dưỡng tôm giống, cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản, xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ươm dưỡng giống tôm, giấy xác nhận đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản theo quy định. Thẩm định, chứng nhận các cơ sở nuôi tôm nước lợ đủ điều kiện an toàn thực phẩm được phân công quản lý; đồng thời phối hợp các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản nuôi; tổ chức lấy mẫu giám sát, khoanh vùng, xử lý dịch bệnh không để lây lan. Đẩy mạnh tuyên truyền cho các hộ nuôi tôm thực hiện “3 không”: Không giấu dịch bệnh, xả nước thải chưa qua xử lý và xả bỏ tôm chết, tôm bệnh ra môi trường; tổ chức kiểm soát hiệu quả các bệnh trên tôm nuôi; tăng cường kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển giống thủy sản; thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y thủy sản và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...” - bà Khanh nói thêm.

Trong tuần, giá tôm thương phẩm ổn định so với tuần trước.Cụ thể, tôm thẻ cỡ 60-70 con/kg giá từ 110.000-115.000 đồng/kg; cỡ 100-110 con/kg giá từ 100.000-105.000 đồng/kg. Tôm sú cỡ 40-50 con/kg giá từ 200.000-210.000 đồng/kg; cỡ 70-80 con/kg giá từ 130.000-140.000 đồng/kg.

Nguồn:  Báo Long An

 

 

3 triệu đồng một cặp bưởi hồ lô tài - lộc nhưng vẫn 'cháy' hàng  (14/01/2020)

Mặc dù có giá đến 3 triệu đồng một cặp bưởi hồ lô có chữ tài - lộc nhưng toàn bộ hơn 200 sản phẩm này đã được thương lái đặt mua hết.

Gần 2 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng toàn bộ hơn 200 trái bưởi hồ lô có chữ tài - lộc của gia đình ông Ngô Văn Sơn (chủ vườn bưởi tại làng bưởi Tân Triều, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đã được thương lái đặt mua hết.

Ông Sơn cho biết năm nay chỉ làm hơn 200 trái bưởi hồ lô có "khắc" 2 chữ tài - lộc đối xứng bên ngoài vỏ, mỗi trái nặng khoảng 1kg.

 Lượng bưởi hồ lô ông Sơn chuẩn bị cho vụ tết năm nay giảm gần một nửa so với các năm trước. Nguyên nhân do đặc sản này không còn "độc quyền" như các năm trước trong khi thị trường trái cây chưng tết đã đa dạng, nhiều chủng loại hơn.

"Mùa tết năm nay tôi chỉ làm theo nhu cầu của khách đặt chứ không làm dư ra để bán như các năm trước đó. Bưởi hồ lô có in chữ tài - lộc đối xứng 2 bên giá 1 triệu đồng/ trái. Còn một chùm 2 trái có giá 3 triệu đồng/cặp nhưng số lượng không nhiều" - ông Sơn nói.

Dự kiến năm nay sản lượng bưởi Tân Triều - đặc sản nổi tiếng của tỉnh Đồng Nai được nhiều người ưa chuộng chọn làm quà biếu hoặc chưng tết - giảm khoảng 30% so với năm trước. Trong khi đó, do lượng bưởi từ các nơi khác nhập về nhiều khiến bưởi Tân Triều khó tăng giá.

Hiện hầu hết sô bưởi tại Tân Triều đã được thương lái đặt mua từ sớm. Trong đó, bưởi loại 1 có giá khoảng 1 triệu đồng/chục (12 trái) bưởi đường lá cam và 1,2 triệu đồng/chục bưởi da xanh.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ


Tin liên quan

Danh mục