A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin thị trường ngày 17/01/2020

 

Khánh Hòa: Xoài, chuối thu mua ổn định  (17/01/2020)

Những ngày này, người trồng xoài Úc nghịch vụ và chuối tây trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang tất bật thu hoạch, để cung cho thị trường dịp gần tết.

Tại huyện Cam Lâm ,“thủ phủ” trồng xoài Úc của Khánh Hòa, với diện tích lên đến 3.000 ha. Từ nửa tháng trở lại đây, nông dân đã tất bật thu hoạch lứa xoài nghịch vụ, để cung ứng chủ yếu cho thị trường Trung Quốc.

Ông Trương Thanh Trường, chủ vựa thu mua xoài Trường Lan ở Cam Lâm cho biết, hiện việc xuất khẩu xoài sang thị trường Trung Quốc ổn định. Hơn nữa, năm nay nhu cầu tiêu thụ xoài của thị trường này cũng tăng mạnh. Vì vậy, các vựa trên địa bàn đều tập trung thu mua xoài để đáp ứng.

“Như tại vựa xoài của gia đình mỗi ngày thu mua từ 5-10 tấn, gấp 3 lần so với năm ngoái. Giá xoài dịp này cũng tương đối ổn định, dao động từ 25-60 ngàn đ/kg (tùy loại). Nhờ vậy so với vụ chính nông dân xuất bán lãi 150 triệu là cùng, còn vụ này lãi từ 250-300 triệu đ/ha”, anh Trường chia sẻ.

Một lãnh đạo phòng NN-PTNT huyện Cam Lâm cũng xác nhận, vụ xoài này nông dân có lãi cao và cho biết, đó là nhờ thời tiết năm nay ít mưa, bão nên nhiều diện tích xoài trái vụ được mùa, cho năng suất trung bình 7-8 ha. Tuy nhiên số diện tích xoài Úc cho thu hoạch trong dịp này rất ít, chỉ khoảng 20% tổng diện tích xoài Úc.

Tương tự, đối với mặt hàng chuối tây từ đầu tháng Chạp, nông dân tỉnh Khánh Hòa cũng bắt đầu tấp nập thu hoạch cung ứng cho các thị trường các tỉnh Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị… Và, giá chuối cũng bắt đầu nhích lên từng ngày.

Theo ông dân trồng chuối ở xã Suối Cát, huyện Cam Lâm - một trong vựa chuối lớn ở Khánh Hòa, hiện buồng chuối đẹp được các vựa thu mua từ 600-700 ngàn/buồng (loại 6-7 nhánh) và từ 300-500 ngàn đ/buồng (loại dưới 6 nhánh). Giá này so với tháng trước tăng từ 150-200 ngàn đ/buồng.

Ông Lê Thành Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Cát cho biết thêm, đối với chuối phục vụ dịp tết hiện các thương lái các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế… cũng đã vào tận các vườn để mua và đặt cọc.

Hiện những buồng chuối đẹp từ 7 nhánh trở lên, thương lái thu mua từ 1,3-1,5 triệu đồng, bằng mọi năm. Tuy nhiên hiện lượng chuối đẹp rất ít. Do đó, dự kiến thời điểm càng gần tết, giá chuối có thể tiếp tục tăng mạnh.

Cũng theo anh Huy, vụ chuối năm nay toàn xã có khoảng 100 ha/400 ha cho thu hoạch dịp tết. Đây là vụ chuối được đánh giá được mùa so với mọi năm, bởi nhờ thời tiết năm nay ít mưa bão gây đổ ngả và sâu bệnh tấn công.

Theo anh Trương Thanh Trường, chủ vựa thu mua xoài Trường Lan ở Cam Lâm, dự kiến việc thu mua xoài xuất sang thị trường Trung Quốc sẽ được vựa tạm dừng thu mua vào ngày 19/1, tức 25 tháng Chạp. Còn đối các mặt hàng chuối cung ứng dịp tết, từ ngày 23 tháng Chạp trở đi chuối ở Suối Cát sẽ đồng loạt thu hoạch, để các thị trường miền Trung.

Nguồn: Báo nông nghiệp Việt Nam

 

 

Hoa kiểng, trái cây độc, lạ hút hàng  (17/01/2020)

Để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các nhà vườn miền Tây đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm hoa kiểng, trái cây độc đáo, mới lạ.

Càng cận tết không khí các làng hoa càng náo nhiệt. Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) được xem là thủ phủ hoa trở nên rộn rã, tràn ngập sắc hoa, thu hút lượng lớn khách đến tham quan, mua hàng.

Để chuẩn bị cho tết năm nay làng hoa Sa Đéc có trên 150 ha hoa kiểng với sự tham gia SX của 2.000 hộ dân. Điểm thu hút ở nơi đây là luôn có nhiều giống hoa lạ. Bên cạnh các giống hoa truyền thống như cúc mâm xôi, cúc đồng tiền, hoa chuông, dạ yến thảo… bà con trình làng nhiều loại nổi bật như hoa con bướm xuân, cúc kim cương, violet, hồng xanh… Sa Đéc sẵn sàng tung ra 3 triệu giỏ hoa đáp ứng nhu cầu thị trường dịp Tết.

Huyện Chợ Lách (Bến Tre) vốn nổi tiếng là "vương quốc" của cây giống và hoa kiểng với diện tích hơn 650 ha. Năm nay thời tiết khá thuận lợi, cây hoa cho thu hoạch đúng thời điểm nên họ rất phấn khởi và mong chờ vụ mùa thắng lợi.

Là một trong những gia đình có truyền thống trồng hoa kiểng lâu đời, bà Nguyễn Thị Mỹ Hiền ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách cho biết: Trong đợt này, gia đình xuống giống khoảng 2.000 chậu hoa cúc mâm xôi, cúc Hà Lan, vạn thọ. Năm nay hoa không nở trễ hay sớm như mọi năm...

Làng hoa kiểng Phú Thọ - Bà Bộ (quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) chuyên SX các loài hoa được ưa chuộng như mai vàng, cúc mâm xôi, cúc đồng tiền, hướng dương. Có hơn 30 năm trồng hoa kiểng, bà Đỗ Thị Hoa, ở phường Long Hòa cho biết: Tết này, gia đình tôi cung ứng hơn 10.000 chậu với 10 loại hoa. Đặc biệt sẽ đưa ra một số hoa mới như ly bách hợp, cúc pha lê.

Được biết, làng hoa kiểng Phú Thọ - Bà Bộ có khoảng 20 ha hoa với hơn 230 hộ làm nghề, trải dài trên địa bàn 2 phường Long Hòa và Long Tuyền. Cách nay hơn 10 ngày, một số thương lái ở các tỉnh đã đến đặt mua một số loại hoa nhưng giá cả chưa chốt được.

Ông Nguyễn Văn Dị ở ấp Vĩnh Phú, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách đã nghiên cứu và tạo dáng 20 cặp kiểng quất hình chuột mickey cung ứng cho dịp tết. Ông Dị cho biết: Năm nay là năm con chuột và tôi thấy hình ảnh chuột mickey ở nước ngoài đẹp, lạ mắt nên đã nghiên cứu tạo dáng. Tuỳ vào kích thước của mỗi cặp kiểng mà có giá bán khác nhau. Tuy nhiên, cặp có giá thấp nhất là 3 triệu đồng và lớn nhất là 10 triệu.

Cũng làm kiểng hình chuột như ông Dị, anh Huỳnh Văn Thanh cho biết: Tôi tạo được dáng 20 con chuột từ cây quất, khách đặt mua hết rồi. Để hoàn thành số chuột trên tôi và 3 công nhân phải làm trong 1 tháng.

Ngoài kiểng hạnh (quất) nổi tiếng, người dân Bến Tre còn tung ra nhiều sản phẩm mới. Ông Huỳnh Văn Dũng ở huyện Chợ Lách dự kiến cung ứng 1.000 cây táo lùn cho thị trường tết. Giá mỗi cây dao động từ 3 - 4 triệu đồng. Do không chỉ cho trái ngon, táo lùn còn có thể tạo dáng bonsai chơi kiểng, được ví là cây tài lộc, mang lại sự giàu sang cho gia chủ nên được nhiều người săn lùng và chi mạnh tay để sở hữu.

Với kỹ thuật làm bonsai dừa tạo hình thú điêu luyện nên cứ gần tết là anh Lê Hồng Quân ở huyện Châu Thành, Bến Tre) lại cho ra đời những sản phẩm vô cùng độc đáo. Anh Quân cho biết, thấy trái dừa khô được chất thành đống và mọc mầm, sức sống mạnh nên anh nảy sinh ý tưởng làm dừa bonsai. Khó nhất là khâu lột vỏ dừa để làm sao rễ không bị hư, thân không gãy và gáo dừa phải luôn nhẵn bóng mới đạt yêu cầu.

Đối với những loại bonsai dừa tạo hình thú phải dưỡng thời gian khoảng 6 tháng trong bầu đất để phần rễ khỏe mạnh, mọc lộ thiên đẹp mắt. Sau đó nghệ nhân sẽ tuyển lựa những cây đạt chuẩn để đưa lên chậu, bình. Một cây dừa bonsai được coi là đẹp là trái tròn nhỏ, rễ to cứng, thế cây lạ, lá nhỏ gọn.

Để tạo hình chuột, những cây dừa bonsai sau khi dưỡng rễ sẽ được kết dính với một gáo dừa được cắt, ráp từng chi tiết như mắt, mũi, miệng, tai... Phần rễ dừa được dùng làm chân, phần thân dừa được dùng làm đuôi chuột. Công đoạn thực hiện cũng vô cùng khéo léo.

Từ những quả dừa đơn thuần, anh Quân đã cắt gọt, gắn kết thành những con vật có hồn, sống động như thật. Dịp tết này, anh Quân cung ứng cho thị trường 1.000 cây dừa bonsai tạo hình chuột, giá dao động từ 500.000 - 2 triệu đồng/cây.

Tương tự, bà Nguyễn Kim Loan ở quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ cũng cung ứng cho thị trường tết trên 200 cây kiểng bông trang hình thú, với giá từ 200.000 - 10 triệu đồng/chậu.

Nguồn: Báo nông nghiệp Việt Nam

 

 

Gà 'tiến vua' giá hơn 3 triệu đồng mỗi con  (16/01/2020)

Giống gà Hồ ở Thuận Thành nặng từ 5 đến 6 kg mỗi con, có giá đắt hơn gà thường song vẫn đắt hàng dịp Tết.

Gà Hồ - giống gà đặc sản của vùng Kinh Bắc (tên gọi xưa của vùng Bắc Ninh, Bắc Giang) từng được dùng làm lễ vật tiến vua, hiện chỉ còn được nuôi ở làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ (huyện Thuận Thành).

Trại gà Hồ của gia đình anh Dương Hữu Dũng (42 tuổi) ở ngõ Chêu, làng Lạc Thổ có truyền thống lâu đời, với khoảng 100 con gà được chăm sóc theo cách thức cầu kỳ hơn gà thông thường. Thức ăn là gạo xay vỡ với rau hoặc cá được nấu chín để tránh dịch bệnh.

Trại nuôi rộng hơn 1.000 m2, được chia thành nhiều phân khu nhỏ, nằm tách biệt nhau, theo mô hình một trống, bốn mái, xung quanh rắc vôi bột. Gà được tiêm chủng các mũi phòng bệnh cơ bản 4 tháng một lần.

10 ngày trước khi xuất chuồng, anh Dũng nhốt gà trống ra riêng, tránh chọi nhau để giữ lông mượt và mào tươi màu. "Gà Hồ cần không gian rộng, thoáng để chạy nhảy, vận động thì tướng mới nhanh, chắc thịt giòn, ngon hơn", anh Dũng chia sẻ.

Con gà chuẩn theo dân gian  phải có "Đầu công, mình cốc, cánh trai, đuôi nơm, mã mận, chân đậu nành", dáng dấp được ví như dũng tướng. Gà Hồ mái nặng nhất trong trang trại anh Dũng khoảng 4,6 kg, gà trống khoảng 5,5 kg sau 10 tháng nuôi. Chân gà Hồ vàng đều, không quá to, vẩy xếp như hạt đậu. Một lứa gà nuôi từ 12 đến 14 tháng, con trống trưởng thành có thể nặng hơn 6 kg. "Nhiều người từ khắp các tỉnh trong Nam ngoài Bắc tới nhà tôi mua giống, nhưng nuôi không lớn. Gà Hồ hình như chỉ hợp với đất làng Hồ", anh Dũng chia sẻ.

Tuy trọng lượng lớn, nhưng do vận động nhiều nên kích thước gà Hồ không khác nhiều các loại gà thường. Nửa đầu tháng chạp, anh Dũng cho xuất chuồng 100 con gà, đều nặng trên 4,5 kg; giá từ 400.000 đến 600.000 đồng mỗi kg. "Tuy giá đắt hơn gà thường nhưng khách hàng đặt mua nhiều để làm quà biếu dịp Tết", anh nói và cho biết riêng con gà trống "tướng quân" chân vàng, nặng gần 6 kg, anh giữ lại để dự thi hội gà Hồ được tổ chức vào dịp 10/2 âm lịch.

Nguồn: Vnexpress

 

 

Cá chép cúng ông Công ông Táo tăng giá  (17/01/2020)

Hàng năm cứ đến ngày ông Công ông Táo, thị trường cá chép lại trở nên sôi động. Người dân khắp nơi đều tìm mua những con cá đẹp nhất để dâng lên bàn thờ gia tiên.

Ghi nhận tại chợ Nghĩa Tân (Hà Nội), mặc dù hôm nay là ngày cuối cùng cúng ông Công ông Táo, nhưng người dân vẫn đến đây tấp nập để tìm mua cá phóng sinh. Theo những người bán cá, giá cá năm nay tăng hơn so với mọi năm từ 5.000 - 10.000 đồng.

Giá cá tăng hơn mọi năm là do năm nay số lượng cá giảm dần, chỉ bán vừa đủ chứ không quá nhiều. Tuy nhiên, theo người dân giá cả của những con cá chép vàng như vậy là vẫn hợp lý, chủ yếu dựa theo kích cỡ của những con cá để có giá bán khác nhau.

Thời tiết se lạnh khiến thị trường cá trở nên thuận lợi hơn. Những người bán cá đã bắt đầu bán từ hôm qua (16/1) và nhu cầu khách hàng mua cá năm nay cũng nhiều hơn so với mọi năm.

Nguồn: Vtv.vn

 

 

Làng khô cá lóc Đồng Tháp tấp nập bán buôn  (17/01/2020)

Thời điểm này, dù giá cá lóc nguyên liệu đang tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, nhưng tại làng nghề làm khô cá lóc ở huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) vẫn tấp nập, nhộn nhịp làm khô cá cung cấp cho thị trường Tết và giá bán khô vẫn giữ ổn định.

Xã Phú Thọ hiện có Phú Nông hội quán, Công ty khô cá lóc Tứ Quý và gần 200 hộ nuôi cá lóc và chế biến khô cá lóc cung cấp sản lượng bình quân khoảng 4,3 tấn/ngày.

Xã còn có 50 cơ sở chế biến và bán cá khô các loại. Mỗi cơ sở chế biến thu hút từ 10 - 15 lao động làm việc ngày đêm. Các cơ sở chế biến khô cá lóc ở xã Phú Thọ đang tăng nhịp độ sản xuất. Trung bình, mỗi cơ sở làm ra từ 50 - 70kg khô cá lóc thành phẩm các loại/ngày cung cấp ra thị trường trong và ngoài huyện Tam Nông.

Lúc cao điểm, một cơ sở bán được cả trăm kg khô cá lóc các loại. Giá bán mỗi kg khô cá lóc hiện dao động từ 150.000 - 170.000 đồng tùy loại (không tăng so với cùng kỳ năm trước).

Cứ 4kg cá lóc tươi sẽ làm ra được 1kg cá lóc khô và phải phơi từ 3 - 4 nắng mới xuất bán được. Tuy nhiên, người tiêu dùng hiện nay lại thích ăn khô cá lóc phơi 1 nắng, có giá bán dao động 100.000 đồng/kg.

Để mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ, ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp đã hướng dẫn cơ sở Phan Chao nên liên hệ với Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp tỉnh để được tiếp cận các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh…

Bà Nguyễn Mai Trinh - chủ cơ sở chế biến khô cá lóc Thảo Ngân (xã Phú Thọ) cho biết: Khô cá lóc ở đây thơm, ngon và có hương vị riêng, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Hầu hết sản phẩm khô cá lóc ở xã Phú Thọ đều được làm thủ công và phơi dưới ánh nắng mặt trời, giá bán phải chăng…

Bà Trinh bày tỏ: “So với năm rồi, mình bán khô cá cũng chạy y chang hà, bán khô cá năm nay đắt hàng vậy đó. Thị trường tiêu thụ là Sài Gòn, Bình Dương... Khô cá lóc 1 nắng giá thành 120.000 đồng/kg, khách hàng cũng chuộng lắm, chiên - nướng ăn liền đều ngon...”.

Năm nay, làng nghề làm khô cá lóc ở xã Phú Thọ vừa được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định công nhận nhãn hiệu hàng hóa làng khô cá lóc Phú Thọ nên tăng giá trị sản phẩm khô cá lóc, rất thuận tiện trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Tại cơ sở làm khô cá đồng Phan Chao ở xã Hòa Bình, huyện Tam Nông vào thời điểm này, chúng tôi chứng kiến cảnh tất bật làm ra sản phẩm để cung cấp cho thị trường tết.

Bà Nguyễn Thị Ngoãn - chủ cơ sở khô cá Phan Chao cho biết: Nguyên liệu sản xuất khô cá của cơ sở được đặt mua từ những người dân đánh bắt ngoài tự nhiên chở tới tận nơi.

Trung bình, mỗi ngày cơ sở của bà Ngoãn làm ra trên 50kg khô cá lóc đồng, khô cá kết, khô cá trèn, khô cá chạch… thành phẩm và cung cấp ra thị trường từ 20 - 25kg khô cá đồng các loại. Lúc cao điểm, cơ sở bán được từ 30 - 50kg khô cá đồng các loại trở lên.

Sản phẩm khô cá đồng của cơ sở Phan Chao đều được đưa vào bao bì, ép chân không cẩn thận, không chất bảo quản, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, cơ sở Phan Chao còn sản xuất và bán khô trâu với giá 600.000 đồng/kg. Nhiều khách hàng thưởng thức khô cá đồng, khô trâu của cơ sở Phan Chao sản xuất đều khen hương vị thơm ngon, an toàn thực phẩm… nên đặt mua nhiều.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp trong chuyến khảo sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn huyện Tam Nông đã ghé cơ sở sản xuất khô cá Phan Chao. Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp đã đánh giá cao mô hình này và đề nghị chủ cơ sở bổ sung thêm trên bao bì sản phẩm về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, hệ thống bảo quản… Ông Dương cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp và địa phương hỗ trợ cơ sở giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại của tỉnh, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại các khu điểm du lịch…

Nguồn: Dân Việt


Tin liên quan

Danh mục