A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin thị trường ngày 20/01/2020

 

Cận tết, giá trái cây tăng mạnh  (20/01/2020 )

Từ chiều ngày 23 tháng Chạp, thị trường trái cây sôi động hơn và giá cả tăng mạnh.

Cụ thể, thanh long ruột trắng đã tăng giá gấp đôi so với cách đây 1 tháng, lên 30.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc tăng khoảng 10.000-15.000 đồng/kg, lên mức từ 60.000-70.000 đồng/kg tùy kích cỡ, xoài cát chu 35.000 đồng/kg, quýt hồng 40.000-50.000 đồng/kg, dưa hấu 10.000-12.000 đồng/kg, nhãn Ido 40.000 đồng/kg, táo đỏ Mỹ 70.000-80.000 đồng/kg…

Một số tiểu thương bán trái cây tại các chợ trong tỉnh nhận định, nguồn hàng năm nay tuy không bị hụt nhưng một số loại không có nhiều “hàng tuyển” (loại trái to, đẹp). Khả năng từ đây đến tết, sức mua tăng nên giá sẽ tăng theo từng ngày, nhất là các loại thường được người dân mua chưng tết như dưa hấu, xoài, bưởi, táo, mãng cầu…

Nguồn: Báo Hậu Giang

 

 

Hoa giấy, mai vàng giá cao  (20/01/2020 )

Tết Nguyên đán 2020 đã gần kề, đây cũng là lúc nhiều người mua hoa kiểng để trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón chào năm mới. Dạo quanh các chợ bán hoa kiểng trên địa bàn tỉnh, hầu như năm nay cây hoa kiểng không gì mới lạ ngoài những loại hoa truyền thống như vạn thọ, cúc Đài Loan, cúc mâm xôi, mồng gà, cát tường… Giá bán ra tuy có tăng hơn so cùng kỳ năm ngoái, nhưng không nhiều nên sức mua của bà con có phần sôi động.

Theo anh Hồ Trung Tính, chủ cơ sở hoa kiểng ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, đã nhiều năm mua bán hoa kiểng tết tại chợ hoa kiểng dọc bờ kè Xà No, thuộc phường V, thành phố Vị Thanh, cho biết sức mua hoa kiểng của bà con trong mấy ngày qua khá mạnh. Phần nhiều người dân lựa chọn mua các giống hoa tạo dáng bon sai bộ rễ, thân cây có kiểu dáng đẹp, màu sắc rực rỡ như hoa giấy, hoa mai.

Giá mỗi cây hoa giấy dao động từ 100.000-600.000 đồng/cây, thậm chí có cây giá lên đến 5-7 triệu đồng/cây, tùy theo độ tuổi và kiểu dáng. Riêng giá cây mai vàng, giá dao động từ vài trăm ngàn đến 25 triệu đồng/cây, tùy thuộc vào độ tuổi, kiểu dáng của cây.

Nguồn: Báo Hậu Giang

 

 

Rau mất giá 500 đồng/kg, nông dân mất Tết   (20/01/2020)

Tại các địa phương ở miền Trung, vụ rau Tết năm nay, nông dân chưa kịp mừng vì rau được mùa thì lại lo lắng khi giá rau xuống thấp.

Đang vào cao điểm thu hoạch nhưng tại nhiều cánh đồng rau xanh ở tỉnh Quảng Ngãi thật đìu hiu. Nhiều diện tích rau cải, xà lách mơn mởn nhưng người trồng rau không buồn hái và người mua cũng thưa thớt. Nhiều hộ đành phải nhổ rau cho heo, bò ăn, bỏ rau khô héo trên đồng hoặc cày úp để làm đất trồng các loại cây màu khác.

Bà Trần Thị Thanh Thúy ở xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa than thở, chưa năm nào rau rớt giá thảm hại như thế này: “Rau năm nay quá rẻ. Rau như vậy thì Tết này khỏi ăn Tết luôn. Giá rẻ quá, rau làm ra bán không được giờ phải cày hết.”

Giá rau bán tại ruộng ở tỉnh Quảng Ngãi hiện chỉ từ 500 đồng/kg đến vài ngàn đồng, giảm nhiều lần so với thời điểm này năm ngoái. Ông Trương Đình Cường, xã Nghĩa Dũng, thành phố Quảng Ngãi cho biết, cả nhà trông chờ vào mấy sào rau mong kiếm thêm nguồn thu nhập trang trải dịp Tết nhưng do giá quá thấp, ai nấy đều mất vui.

“Cũng trông từ nay tới Tết giá nhích lên được một chút để bà con kiếm chút đỉnh sắm sửa Tết chứ thấy buồn quá” - ông Cường nói.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà, thành phố Quảng Ngãi cho biết, vụ rau Đông Xuân năm nay, nông dân địa phương trồng gần 300 ha rau xanh các loại. Đa số người dân canh tác theo vụ mùa, đầu ra và giá cả đều phụ thuộc vào thị trường.

“Do điều kiện thời tiết tốt nên rau phát triển nhanh. Sau mùa mưa lũ, bà con tập trung sản xuất đồng loạt nên khối lượng nhiều, tiêu thụ không hết” - ông Tiến cho biết.

Không riêng gì tại tỉnh Quảng Ngãi, tại các vựa rau lớn ở các tỉnh, thành phố miền Trung như Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng… cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Điệp khúc “được mùa, mất giá” khiến người trồng rau ở miền Trung đón một cái Tết kém vui.

Nguồn: Vov.vn

 

 

Kiểng tết độc, lạ hút hàng  (20/01/2020)

Chị Loan trước đây là một chủ nhân của vườn kiểng nổi tiếng về bộ sưu tập kiểng thú bằng hoa mẫu đơn, nay chị mở rộng kinh doanh thêm mặt hàng si rô kiểng.

Chị Nguyễn Kim Loan, 47 tuổi, chủ cở sở hoa kiểng Văn Trường ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ dẫn tôi ra vườn kiểng vui vẻ giới thiệu: “Đây là sản phẩm mới, lạ xuất hiện đầu tiên tại chợ tết Cần Thơ. Khách du xuân trong và ngoài thành phố đến tham quan, trao đổi và hỏi mua khá đông. Nhưng vì sản phẩm có giới hạn nên không đủ cung cấp cho người tiêu dùng”.

Chị cho biết, cách đây 5 năm chị đã sưu tầm được một cây si rô có xuất xứ từ Ấn Độ. Thấy lạ và đẹp, chị bỏ công chăm sóc, vun trồng, chỉ sau một thời gian vài tháng, cây đâm chồi nhảy lộc rất tốt.

Hai năm sau cây bắt đầu trổ bông, kết trái, lúc chín màu đỏ tươi, trái tròn óng ả, mộng nước, trông rất đẹp mắt, ai nhìn cũng thấy mê. Cây si rô có dạng bụi, tán rộng, cành lá sum xuê, phát triển nhanh, có thể trồng chậu để chơi kiểng.

Từ năm 2018 đến nay, bình quân mỗi năm chị Loan xuất bán 2.000 đến 3.000 cây giống với giá từ 25.000 đến 30.000 đồng/nhánh. Sau khi trừ hết các chi phí còn lãi xấp xỉ 60 triệu đồng/năm.

Một khách hàng ở Bình Dương đến đây lấy cây giống của chị chia sẻ: “Trái si rô vừa lạ, vừa đẹp, đặc biệt trái khi còn non có màu trắng hồng, sau chuyển sang màu hồng rồi tới màu đỏ. Cuối cùng là màu đen huyền. Ấn tượng nhất là màu đỏ. màu phù hợp với phong thủy, tượng trưng cho cát tường. Vì thế nhiều người chọn mua về chưng tết với hy vọng sẽ gặp nhiều may mắn và tài lộc”.

Tết Canh Tý này, si rô dạng kiểng bon sai có giá bán từ 1 triệu đến 10 triệu đồng/cây, tùy độ tuổi, trái nhiều hay ít và giá trị nghệ thuật của từng cây.

Nguồn: Báo nông nghiệp Việt Nam

 

 

Dưa hấu Tết được mùa, giá cao hơn mọi năm  (18/01/2020)

Vụ dưa Tết năm nay nhiều nông dân phấn khởi bởi thời tiết thuận lợi, giá bán cũng cao so với mọi năm.

Nhằm có thêm thu nhập vào dịp Tết, nhiều nông dân trồng lúa ở huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã chuyển sang canh tác dưa hấu bán Tết. Vụ dưa Tết năm nay nhiều nông dân phấn khởi bởi thời tiết thuận lợi, giá bán cũng cao so với mọi năm.

Ông Phạm Văn Quang, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền chia sẻ, nhà có hơn 1 ha trồng lúa 3 vụ, vào dịp cuối năm gia đình ông thường để lại 0,2 - 0,3 ha đất để canh tác dưa hấu bán Tết. Năm nay ông Quang trồng hơn 0,2 ha dưa với 1.500 trái dưa tròn và dài, đến thời điểm hiện nay nhờ thời tiết thuận lợi nên dưa phát triển tốt, không bị thối dây... thương lái đã vào đặt mua hết vườn với giá 18.000 đồng/kg, thu nhập khoảng 15 triệu đồng sau 2,5 tháng canh tác.

“Dưa từ lúc trồng đến lúc thu hoạch là 2,5 tháng nhưng nếu làm lúa phải 3 tháng mới thu hoạch. Năm nay thời tiết ủng hộ nên dưa được mùa hơn năm ngoái. Đợt này thu hoạch dưa đúng thời điểm, giá tăng hơn mọi năm nên bán được hơn 25 triệu đồng, trừ chi phí gia đình thu nhập hơn chục triệu đồng”, ông Quang nói.

Còn ông Tư Tuất ở thôn Long Hiệp, thị trấn Long Điền năm nay có hơn 1.000 quả dưa tròn đen và dưa dài vàng, thời điểm này đang chuẩn bị thu hoạch. Ông Tuất nhận định, do dưa năm nay được giá nên ông chưa bán cho thương lái với giá 7.000 đồng/kg, mà quyết định để lại để mang ra chợ bán với giá cao hơn.

“Nếu bán dưa cho thương lái sẽ không lãi nhiều nên tôi để lại bán chợ cho bà con ở đây, giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Mọi năm trời mưa nhiều nên dưa bị bệnh, năm nay trái dưa tròn và đẹp nên nhà vườn phấn khởi hơn mọi năm”, ông Tuất tâm sự.

Nhiều nhà vườn cho biết, so với canh tác lúa vụ 3, việc trồng dưa hấu vào dịp cuối năm cho thu nhập ổn định hơn, thời gian chăm sóc dưa hấu cũng ít hơn. Nếu thời tiết thuận lợi, không bị sâu bệnh gây hại người trồng dưa thu nhập khoảng 15 triệu đồng/vụ.

Nguồn: Vov.vn

 

 

Bưởi da xanh chưng Tết tăng giá  (18/01/2020)

Những ngày này, nhà vườn trồng bưởi da xanh trên địa bàn huyện Lai Vung đang hoàn tất các công đoạn sản xuất để cung ứng sản phẩm cho thị trường Tết. Năm nay, bưởi da xanh tăng giá, hút hàng nhà vườn rất phấn khởi.

Hiện bưởi da xanh được thu mua với giá khoảng 60.000 - 100.000 đồng/kg, tùy theo kích cỡ và trọng lượng trái. Mức giá này tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với năm trước.

Là người có thâm niên trồng bưởi da xanh, ông Hà Văn Giữ ở ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung cho biết, hiện tại hơn 2.500m² trồng bưởi da xanh của gia đình được thương lái đặt hàng thu mua. Dự kiến sản lượng bưởi của gia đình sẽ cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán 2020 khoảng 1,2 tấn, tăng hơn năm trước khoảng 10%.

Ông Hà Văn Giữ chia sẻ: “Trồng bưởi da xanh mùa Tết mang lại thu nhập khá cho nhà vườn. Hướng đến sản xuất mang hướng bền vững, tôi đẩy mạnh sản xuất theo hướng VietGAP. Hiện nay, trên mỗi sản phẩm của gia đình đều có giấy chứng nhận, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ để người tiêu dùng an tâ­m sử dụng”.

Nguồn: Báo Đồng Tháp

 

 

Khan hiếm quýt hồng đặc sản mùa tết  (18/01/2020)

Nhiều năm nay quýt hồng Lai Vung là trái cây đặc sản nổi tiếng của tỉnh Đồng Tháp, với ưu điểm trái to, màu sắc đẹp và chín đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng. Hiện nay quýt hồng đang vào cao điểm thu hoạch, giá tương đối tốt nhưng nhiều nông dân tiếc nuối vì sản lượng quá ít.

Chúng tôi tìm đến “vương quốc quýt hồng Lai Vung” vào những ngày giáp Tết Canh Tý 2020, không khí vụ mùa không còn sôi động như các năm trước. Ông Lưu Văn Tín, ngụ xã Long Hậu (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), cho biết: “Cả tháng nay thương lái từ TPHCM, Tiền Giang, Kiên Giang… về đây thu mua khá nhiều và đang bắt đầu thu hoạch để đưa đi các nơi tiêu thụ dịp tết”.

Gần đó, vườn quýt của ông Trần Hữu Hớn, rộng tới 13 công, năm trước thu hoạch hơn 50 tấn trái, bán với giá bình quân 25.000 đồng/kg. Năm nay sản lượng quýt hồng của ông Hớn bị giảm chỉ còn khoảng 30 tấn.

“Cây quýt hồng càng lúc càng khó canh tác và tăng chi phí đầu tư làm nông dân rất vất vả. Vườn cây của gia đình tôi vụ này số lượng trái giảm mạnh, do đó chỉ trông cậy vào giá tăng cao để bù vào. Điều đáng mừng là giá quýt tết dao động khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg nên nhà nào có quýt là có lời…”, ông Hớn bộc bạch.

Theo UBND xã Long Hậu, dù quýt hồng là trái cây thế mạnh của địa phương và năm nay giá tương đối tốt, nhưng số người được mùa, được giá không nhiều; nguyên nhân do dịch bệnh hoành hành khiến sản lượng giảm.

Tại các xã Tân Thành, Tân Phước và Vĩnh Thới (huyện Lai Vung) tình hình cũng tương tự. Ông Đặng Văn Lòng, ngụ xã Tân Thành, cho hay: “Thời điểm này mấy năm trước quýt hồng được thu hoạch tấp nập từ sáng sớm đến tận chiều tối để đưa đi các nơi tiêu thụ. Ở xứ này không chỉ nhà vườn, mà ai cũng được huy động để kịp giao hàng. Tuy nhiên, không khí vụ mùa năm nay khá yên vắng do nhiều vườn quýt bị thất thu vì dịch bệnh”.

Ông Huỳnh Văn Tồn, Phó phòng NN-PTNT huyện Lai Vung, nhìn nhận: “Trước đây, vùng chuyên canh quýt hồng Lai Vung cung ứng cho thị trường tết từ 30.000 tấn quýt/năm trở lên, thế nhưng dịp Tết Canh Tý 2020 sản lượng quýt hồng giảm mạnh còn không tới 4.000 tấn. Do nguồn cung quá ít, trong khi nhu cầu tiêu thụ cao, vì vậy quýt hồng vụ tết này được giá hơn các năm trước là hiển nhiên”.

Thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Lai Vung cho thấy, nếu như lúc cao điểm toàn huyện có hơn 1.100ha quýt hồng đặc sản, đến năm 2018 diện tích giảm xuống còn khoảng 840ha. Sau đó, hàng loạt vườn quýt hồng bị nhiễm bệnh chết vàng, chết xanh làm cho tỷ lệ bị hao hụt tăng chóng mặt.

Các chuyên gia ở Trường Đại học Cần Thơ cảnh báo: Do thời gian qua bà con bón quá nhiều đạm khiến rễ non yếu, giảm sức chống chịu trong điều kiện pH đất thấp, tạo thuận lợi cho nhện rễ phát triển mạnh tấn công và phát sinh các loại nấm gây hại. Ngoài ra, nông dân ít sử dụng phân hữu cơ, trong khi đa phần lại bón quá nhiều phân có chứa chất kích thích sinh trưởng ở liều cao khiến bộ rễ quýt hồng nhanh lão hóa. Mặt khác, thiết kế vườn có mô thấp làm cho đất bị oi nước, rễ thiếu oxy, dẫn đến dễ bị hư thối.

Trước thực trạng vườn cây bị bệnh chết tràn lan, Phòng NN-PTNT huyện Lai Vung đã nhờ các ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp, Viện Cây ăn quả miền Nam, Trường Đại học Cần Thơ… đến khảo sát, điều tra tình hình canh tác, nghiên cứu, thử nghiệm để tìm nguyên nhân. Nhiều kỹ sư nông nghiệp cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chết vàng, chết xanh ở các vườn quýt hồng là do hư hại bộ rễ bởi các tác nhân vi sinh vật đất (đây là nguyên nhân trực tiếp); ngoài ra kỹ thuật canh tác không phù hợp (nguyên nhân gián tiếp) dẫn đến nước, các chất dinh dưỡng từ đất không được vận chuyển lên cây đầy đủ, kịp thời làm cho cây kém phát triển, còi cọc, suy yếu dần và chết.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, yêu cầu các ngành chức năng và chính quyền huyện Lai Vung cùng các tổ hợp tác khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa dịch bệnh, khắc phục nhanh việc chết cây. Cần sớm phát hiện bệnh để điều trị kịp thời. Khuyến cáo nông dân tăng cường bón phân hữu cơ cải thiện đất, bón vôi nâng độ pH đất; chọn cây giống khỏe và sạch bệnh để khôi phục, trồng mới… Tỉnh cũng giao cho huyện Lai Vung phối hợp cùng chuyên gia tổ chức các mô hình thí điểm trồng mới vườn quýt hồng theo hướng phát triển bền vững.

Theo báo cáo mới đây của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, từ đầu quý 2-2019, ngành chuyên môn đã triển khai 5 mô hình thí điểm phòng chống dịch bệnh trên cây quýt hồng và quýt đường ở các xã Vĩnh Thới, Tân Phước và Long Hậu. Các chuyên gia ở Trường Đại học Cần Thơ đã thực hiện cải tạo đất, tạo độ thông thoáng cho rễ cây phát triển, áp dụng bón phân hữu cơ ủ hoai, tro trấu, sử dụng chế phẩm sinh học… Bước đầu cho thấy bộ rễ của quýt hồng phát triển sâu, cây tươi tốt, dấu hiệu phục hồi tốt, tạm thời khắc phục hiện tượng vàng lá thối rễ gây chết cây…

“Hiện nay vườn quýt hồng của huyện chỉ còn hơn 200ha, diện tích giảm báo động. Với 5 mô hình thí điểm đang triển khai tốt là dấu hiệu đáng mừng, song cái khó là nhiều nông dân thiếu vốn để tái đầu tư bởi vườn cây bị chết thời gian qua dẫn đến lâm nợ. Vì vậy, cùng với hỗ trợ kỹ thuật và mô hình canh tác mới thì tạo điều kiện để bà con dễ dàng tiếp cận nguồn vốn là rất quan trọng”, ông Huỳnh Văn Tồn đề xuất.

Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng


Tin liên quan

Danh mục