A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin thị trường ngày 31/01/2020

 

Thanh Long rớt giá do ảnh hưởng dịch virus corona  (31/01/2020)

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do chủng mới virus corona đang xảy ra ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến việc thu mua thanh long ở Long An. Nếu như trước Tết, thương lái đặt cọc thu mua của người dân gần 40.000 đồng/kg thì hiện bình quân chỉ còn trên 10.000 đồng.

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Thình cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 9.000 ha thanh long, trong đó hơn 8.000 ha thanh long ruột đỏ. Thời điểm này có khoảng 1.500 ha đang vào vụ thu hoạch với sản lượng khoảng 9.000 tấn.

“Tuy nhiên, hiện nay việc thu mua rất khó khăn, giá thấp. Do đó, huyện cũng đã làm việc với các doanh nghiệp để thu mua thanh long trong dân. Nhưng không thể theo giá đặt cọc trước tết, huyện cũng đề nghị doanh nghiệp thỏa thuận với người dân sao cho hài hòa giữa bên mua và bên bán”. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp, Hiệp hội Thanh long tỉnh đã họp bàn lại công tác thu mua. Theo ông Trịnh, trước tình hình dịch bệnh virus corona, nhiều doanh nghiệp không thể xuất hàng thanh long sang Trung Quốc nên phải trữ ở kho.

Tuy nhiên, với những nhà kho trong Hiệp hội thì chúng tôi đã họp và thống nhất sẽ cố gắng tiếp tục thu mua thanh long của người dân nhưng mức giá giảm xuống bình quân khoảng 10.000 đồng/kg.

"Đây đều là các doanh nghiệp đã có hợp đồng bao tiêu với nhà vườn. Do tình hình tiêu thụ khó khăn, nên hiện tại phải giảm giá. Nếu như trước tết lên đến gần 40.000 đồng/kg loại I thì hiện sẽ thu mua của người dân khoảng 10.000 đồng/kg" - ông Trịnh nói.

Nguồn: Báo Long An

 

 

Giá dưa hấu chỉ còn 1.000 đồng/kg  (31/01/2020)

Đang thời điểm nông dân thu hoạch rộ dưa hấu thì cửa khẩu các tỉnh biên giới đều đóng, do Trung Quốc tạm dừng toàn bộ hoạt động giao thương để tập trung xử lý bệnh dịch do virus Corona mới gây ra.

Sự thể này đã khiến dưa hấu tắc đường sang Trung Quốc, giá bán nội địa chỉ còn 1.000đ/kg mà sức mua rất yếu. Hàng ngàn hecta dưa hấu của nông dân miền Trung và Tây Nguyên đứng trước nguy cơ chết nẫu ngoài ruộng vì nông dân sẽ không thu hoạch. 

Tối mùng 2 tết (26/1), ông Lê Đình Chiến ở Diên Khánh (Khánh Hòa), một thương lái lớn chuyên thu mua dưa hấu cung ứng cho thị trường Trung Quốc, đưa 7 chiếc xe tải chở gần 200 tấn dưa lên đường hướng về cửa khẩu Tân Thanh. Những chuyến xe dưa chạy gần đến Hà Nội thì ông Chiến “ngã ngửa” khi nhận được thông tin từ bạn hàng Trung Quốc là cửa khẩu đã đóng.

Lòng ông Chiến như có lửa đốt, vì sợ gần 200 tấn dưa của mình không tiêu thụ được, thối hết trên xe. Cũng may, nhờ có thâm niên trong nghề nên ngoài thị trường Trung Quốc, ông Chiến còn có nhiều bạn hàng ở các tỉnh miền Bắc.

Nhờ đó, ông bán được tại tỉnh Hải Dương 3 xe, tại Vĩnh Phúc 2 xe và tại Nam Định 1 xe. Còn lại 1 xe 24 tấn dưa, ông Chiến đành cho quay ngược về bán lẻ tại tỉnh Ninh Thuận chấp nhận lỗ to.

“Tôi mua dưa tại ruộng của nông dân với giá 4.500đ/kg. Khi biết dưa không qua Trung Quốc được vì cửa khẩu đã đóng, do là bạn hàng lâu năm nên sau đó các chủ ruộng dưa bớt giá cho tôi chỉ còn 3.000đ/kg. Cộng thêm chi phí vận chuyển, giá thành 1kg dưa hấu ra đến Hà Nội tăng lên 3.500đ/kg.

Thế nhưng 6 xe dưa bán đổ bán tháo tại các tỉnh miền Bắc chỉ với giá 3.000đ/kg, nên tôi lỗ đứt tiền vận chuyển. Còn xe dưa 24 tấn chở ngược về Ninh Thuận bán vừa bị lỗ 2 lần tiền vận chuyển vừa bị lỗ giá, vì chỉ bán được có 1.000đ/kg, vậy mà cũng chẳng ai mua.

Ngày mùng 5 tết, tôi bán từ sáng đến chiều mà chỉ được 7 – 8 tấn, còn khoảng hơn 15 tấn qua hôm sau chở đi nơi khác bán tiếp”, ông Chiến than thở. Chuyến hàng đầu năm mới, chỉ tính mỗi ký dưa ông Chiến lỗ 5.000đ, với 200.000kg (200 tấn) dưa, ông Chiến đã lỗ đứt 1 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Văn Nam, 1 tài xế ở thôn Hòa Dõng, xã Cát Tân (huyện Phù Cát, Bình Định) chuyên chở dưa sang thị trường Trung Quốc, cho biết: “Nếu chuyến nào thị trường Trung Quốc trục trặc thì chủ dưa thường cho xe quay về Hải Dương để bán.

Ở Hải Dương có chợ đầu mối thu mua dưa mạnh nhất miền Bắc, nhưng tiêu thụ cũng chẳng bao nhiêu. Một xe chở 24 tấn dưa phải “neo” tại bãi xe Hải Dương 2 – 3 ngày mới bán hết hàng. Bởi mỗi ngày thương lái chỉ đến mua 1 xe tải nhỏ chở đi bán hết mới quay lại mua tiếp”.

Không chỉ có dưa hấu, người trồng thanh long ở Bình Thuận cũng đang điêu đứng vì Trung Quốc đóng cửa khẩu. “Ông anh họ cùng quê với tôi là tài xế xe lạnh chuyên chở thanh long ở Bình Thuận sang Trung Quốc, hôm mùng 4 tết anh ấy đón xe đò vào Bình Thuận để chở chuyến hàng đầu năm, vừa đến nơi đã phải đón xe quay về vì thương lái không đi nữa, bởi cửa khẩu đã đóng”, tài xế Nguyễn Văn Nam cho biết thêm. 

Theo thương lái Lê Đình Chiến, thời điểm trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, dưa hấu ở các xã Ia Lâu, Ia Hlốp và Ia Mơr thuộc huyện Chư Prông (Gia Lai) đã thu hoạch xong. Qua tết, trong tháng Giêng này, đến lượt dưa ở Phú Bổn, Phú Túc (Gia Lai) và dưa ở huyện Sông Hinh (Phú Yên) thu hoạch rộ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng khu vực Đông Gia Lai gồm các huyện Kông Chro, Đăk Pơ, Kbang và TX An Khê đã có đến 1.000ha trồng dưa hấu, hầu hết dưa hấu ở đây chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Còn các tỉnh miền Trung tỉnh nào cũng có cả ngàn hecta dưa hấu.

Vụ dưa năm nay thu hoạch chưa được bao nhiêu thì sự cố Trung Quốc tạm dừng toàn bộ hoạt động giao thương để tập trung xử lý bệnh dịch do virus Corona gây ra đã khiến người trồng dưa ở các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung điêu đứng. Hàng ngàn hecta dưa hấu đã đến kỳ thu hoạch đang đứng trước nguy cơ chết rục ngoài ruộng vì không tiêu thụ được.

 “Theo thông báo của bạn hàng của tôi bên Trung Quốc, đến 16 tháng Giêng (9/2) cửa khẩu mới mở trở lại. Nói thì nói vậy chứ tình hình bệnh dịch do virus Corona đang diễn biến phức tạp, chưa chắc đến ngày ấy Trung Quốc đã mở cửa khẩu. Hơn nữa, nếu cửa khẩu mở thì chưa chắc đã có người đến mua bán. Kiểu này dưa hấu còn bế tắc dài dài!”, ông Lê Đình Chiến lo lắng.

Trong khi đó, nếu dưa hấu đến khi thu hoạch mà không được cắt thì sẽ bị thối nẫu ngoài ruộng. Theo ông Trần Tiến Lãng, cán bộ Cty TNHH Thương mại Trang Nông – Chi nhánh Nha Trang (Khánh Hòa), sau khi xuống giống từ 55 – 60 ngày thì dưa hấu đã chín. Trong thời tiết rét lạnh thì thời điểm thu hoạch có thể kéo dài thêm 5 – 10 ngày nữa. Nếu đến thời điểm thu hoạch mà nông dân không cắt là dưa sẽ hư hỏng hết.

“Khi lá dưa hấu đã khô và rụng hết, quả dưa sẽ hấp thụ hết lượng nước từ đất. Tại thời điểm ấy, nếu nơi quả dưa tiếp giáp với mặt đất chỉ bị 1 vết sẹo nhỏ thôi thì nơi đó sẽ nhanh chóng bị úng và vết úng lan rất nhanh, quả dưa sẽ bị thối tại ruộng”, ông Lãng cho hay.

Cũng theo ông Lãng, giống dưa hấu trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc nếu bán tại thị trường nội địa sẽ rất khó. Bởi, dưa hấu xuất khẩu vỏ rất dày nên có ruột nhỏ, ruột dưa lại có màu hồng nhạt chứ không đỏ và không có vị ngọt đậm như giống dưa trồng để bán nội địa.

Mua 1 quả dưa xuất khẩu về ăn đã không hợp khẩu vị, lại tốn cân vì vỏ dưa dày, nên không hợp thị hiếu của người tiêu dùng. Do đó, nếu thị trường Trung Quốc bị tắc thì người trồng dưa xuất khẩu sẽ “vỡ trận”, vì giá sẽ xuống rất thấp. Đến khi ấy người trồng sẽ bỏ dưa thối nũng ngoài ruộng, vì nếu thu hoạch thì tiền bán dưa không đủ trả tiền thuê công cắt dưa,(Ông Trần Tiến Lãng).

Nguồn: Báo nông nghiệp Việt Nam

 

 

Rau xanh tăng giá gấp 3 - 5 lần ngày thường, thịt cá tăng nhẹ  (30/01/2020)

Sau Tết, giá rau xanh tại các chợ trên địa bàn Hà Nội tăng mạnh, gấp 3 đến 5 lần ngày thường nhưng vẫn tấp nập người mua.

Mùng 6 Tết Canh Tý, nhiều chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội đã mở hàng trở lại. Rau xanh và các mặt hàng hải sản tươi sống tăng giá mạnh. Khảo sát tại một số khu chợ ở quận Cầu Giấy như chợ Nghĩa Tân, chợ Xanh, chợ Nam Trung Yên và một số chợ tạm, các mặt hàng thịt gà, thịt lợn, thịt bò rất ít trong khi rau xanh, hoa quả, hải sản, cá được bán khá nhiều.

Giá các loại rau xanh tăng mạnh nhất, gấp 3-5 lần so với ngày thường. Cụ thể, rau cần từ 15.000 – 20.000 đồng/bó. Rau xà lách tăng lên 70.000 đồng/kg. Rau su su có giá 15.000 đồng/bó nhỏ, rau muống 15.000 đồng/mớ, rau cải tăng từ 20.000 lên 50.000 đồng/kg; rau cải cúc tăng từ 3.000 lên 10.000 đồng/mớ. Su hào trước Tết chỉ 3.000-5.000 đồng/củ, nay tăng lên 8.000-10.000 đồng/củ. Cà rốt trước Tết 12.000 đồng/kg, nay tăng lên 35.000 đồng/kg. Khoai tây trước Tết 15.000 đồng/kg, nay tăng lên 30.000 đồng/kg…. Không chỉ rau xanh, các loại nấm và đậu phụ cũng tăng giá lên gấp 3 lần.

Chị Nguyễn Thu Hương, một tiểu thương ở chợ Trung Kính cho biết, giá rau hôm nay đã giảm hơn so với 2 hôm trước nhưng không đáng kể. Nguyên nhân là do thời tiết mưa rét cộng với mưa đá xảy ra vài ngày qua tại một số tỉnh, thành phố phía Bắc khiến nguồn cung ứng rau xanh trở nên khan hiếm sau Tết.

“Hôm 30, mùng 1 Tết mưa to lại có mưa đá nữa, rau hỏng nhiều. Nếu mua rau ăn lẩu trong năm hết khoảng 120.000 đồng thì mấy hôm nay phải mua hết 250.000 đồng. Nấm trong năm có 8.000 đồng thôi nhưng hôm nay lên tận 18.000, hoa lơ bé tí cũng 15.000 đồng/cây. Mồng tơi trong năm có 5.000 đồng/mớ, rét quá không lên được thì giá bây giờ lên 10.000 đồng/mớ. Thời tiết khắc nghiệt quá, nhà nào cũng háo rau sau Tết nên đắt người ta vẫn mua”, chị Hương nói.

Sau những ngày Tết, do ăn nhiều thịt và bánh chưng nên gia đình nào cũng cần ăn rau xanh, nên dù đắt ngang với giá thịt cá nhưng người dân vẫn phải mua.

“Rau đắt lên nhiều quá, trước tết có 3.000-4.000 đồng thôi nhưng hôm nay nhiều loại tăng gấp 3 lần. Việc kêu cứ kêu chứ chẳng biết làm thế nào, mua 5 mớ cải cúc mà 50.000 đồng, thêm nấm và vài thứ rau khác ăn lẩu cũng hết hơn 200.000 – 300.000 đồng”, bà Nguyễn Thị Hồng chia sẻ giá thực phẩm vừa mua.

Cùng với rau xanh, cá tươi cũng là mặt hàng đắt khách ngày đầu năm mới. Tại các chợ ở Hà Nội, giá cá tươi tăng 20.000 - 30.000 đồng/kg tuỳ loại. Tôm tươi cũng tăng giá mạnh trong ngày đầu năm, tôm sú loại to 350.000 đồng/kg, tăng 50.000 đồng; tôm sú loại nhỏ 280.000 đồng/kg, tăng 50.000 - 70.000 đồng... Giá thịt lợn tăng nhẹ, thịt bò tăng hơn ngày thường khoảng 30.000 đồng/kg nhưng ít người mua.

Chị Hoàng Thị Lan, một tiểu thương bán thịt bò chợ Cầu Giấy cho biết:: “Giá ngày thường khoảng 18.000 đồng/kg thịt xô, có ngày chỉ 17.700 đồng/kg. Bây giờ muốn mua thịt ngon phải 26.000 đồng/lạng, có loại 28.000-30.000 đồng/lạng. Thịt đắt nên ế lắm, mọi khi sáng ra đông nghịt người mua nhưng hôm nay 2 vợ chồng toàn ngồi chơi, ế thế này chán lắm”.

Ngoài các chợ dân sinh, các siêu thị cũng mở cửa trở lại, khu vực bán rau củ quả tươi khá đắt khách. Các quầy rau chưa có nhiều loại rau xanh do nguồn cung ít hơn ngày thường. Theo các tiểu thương, những ngày tới giá rau xanh chưa thể giảm nhiều do thời tiết vẫn rét đậm, nguồn cung giảm.

Nguồn: Vov.vn

 

 

Hàng tiêu dùng, thực phẩm tăng giá  (30/01/2020)

Thị trường hàng hóa ghi nhận dịp sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, một số mặt hàng có xu hướng tăng giá, đặc biệt là các loại hàng thực phẩm như rau, củ, quả, thịt, cá… Tuy nhiên, mức tăng không cao, lượng thực phẩm tiêu thụ không lớn so với dịp trước Tết Nguyên đán.

Khác với hệ thống các siêu thị, được bình ổn giá, thị trường hàng hóa, thực phẩm tại các chợ truyền thống, các chợ cóc, những cửa hàng tạp hóa những ngày đầu năm Canh Tý 2020 có nhiều biến động, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm. Theo khảo sát của Báo Lao Động, tại các chợ, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội, một số mặt hàng vẫn giữ nguyên giá so với dịp cuối năm, nhất là những mặt hàng như bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các mặt hàng khô… Tuy nhiên, riêng hàng thực phẩm có xu hướng tăng mạnh, thậm chí có những mặt hàng tăng từ 10.000 - 30.000 đồng so với dịp cuối năm 2019.

Tại các chợ truyền thống, chợ cóc, giá rau xanh tăng từ 3.000-10.000 đồng, tùy theo từng loại rau. Còn thịt lợn, cá, các loại gia súc, gia cầm khác cũng tăng giá từ 10.000 - 30.000 đồng/kg. Điển hình như cá trắm cỏ có trọng lượng từ 5kg trở lên, trước tết Nguyên đán có giá từ 65.000 - 70.000 đồng/kg, nhưng sau Tết Nguyên đán đã tăng lên 85.000 - 90.000 đồng/kg, thậm chí có những chợ bán với giá từ 95.000 - 100.000 đồng/kg.

Không chỉ ở Hà Nội, tại thành phố Hải Phòng, giá thực phẩm cũng tăng mạnh sau Tết Nguyên đán, ghi nhận thực tế tại chợ Cố Đạo (phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền), giá các loại cá, tôm, mực, thịt lợn, thịt bò… tăng từ 15.000 - 30.000 đồng/kg. Riêng các loại rau, củ, quả tăng gấp đôi so với những ngày cuối năm 2019.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1.2020, so với cùng kỳ năm trước và so với dịp trước Tết Nguyên đán 2020, có sự tăng nhẹ, cụ thể: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1.2020 tăng 1,23% so với tháng 12.2019 và tăng 6,43% so với tháng 1.2019, đây là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 1 trong 7 năm gần đây. Việc tăng giá chủ yếu ở các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 như: hàng thực phẩm tăng 114,45% so với cùng kỳ tháng 1.2019; ăn uống gia đình tăng 107,41% so với cùng kỳ năm 2019…

Cũng theo ghi nhận, hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tháng 1.2020 diễn ra sôi động, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1.2020 ước tính đạt 448,1 nghìn tỉ đồng, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.

Về việc một số mặt hàng tăng giá dịp sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trao đổi với Báo Lao Động, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế - cho rằng: Sau Tết Nguyên đán, một số siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng chưa mở cửa, còn khu vực chợ truyền thống, chợ cóc, cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ thì bày bán ngay từ mùng 2 Tết. Việc họ tự đẩy giá bán lên là do nhu cầu mua của người dân vẫn còn, trong khi lượng cung hàng hóa sau Tết Nguyên đán thì không còn dồi dào như dịp trước Tết. Đặc biệt ngày hôm nay (5.1.2020 âm lịch - PV), ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lượng người về quê ăn tết lên thành phố nhiều, nhu cầu thực phẩm tăng mạnh, một vài mặt hàng giá cả tăng, chẳng hạn như thịt lợn, cá, rau… hiện tượng tăng giá này là do nguồn cung giảm sâu hơn cầu và sẽ sớm trở lại ổn định - ông Hiếu nhận định.

Theo ông Hiếu, so với cùng kỳ năm trước, hàng hóa có tăng, tuy nhiên việc một số mặt hàng tăng giá trong những ngày đầu năm chưa nói lên điều gì cho sự phát triển của nền kinh tế cũng như lạm phát. Thời gian tới, một số mặt hàng sẽ trở lại ổn định, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận thực tế, đối với thực phẩm, giá cả còn phụ thuộc rất lớn vào khí hậu, thời tiết cũng như các loại dịch bệnh lây lan, chính vì vậy, việc cân đối giữa cung và cầu là rất cần thiết - ông Hiếu nói.

Ghi nhận của Báo Lao Động, việc một số mặt hàng tăng giá sau Tết Nguyên đán chỉ mang tính tự phát, chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân sau Tết Nguyên đán như lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng… Tại một số siêu thị, giá cả vẫn tương đối ổn định, các mặt hàng vẫn giữ nguyên mức giá so với dịp trước Tết Nguyên đán. Đối với các chợ truyền thống, một số mặt hàng tăng giá, tuy nhiên mức tăng này không quá cao so với cùng kỳ năm trước cũng như so với trước Tết Nguyên đán và người tiêu dùng chấp thuận được.

Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, để bình ổn giá cả thị trường, ngay từ trước Tết Nguyên đán 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã yêu cầu Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn. Trong đó, chú trọng theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường trước, trong và sau Tết nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng, để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật.

“Khách quốc tế đến Việt Nam cao nhất từ trước đến nay: Tháng 1.2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt gần 2 triệu lượt, cao nhất từ trước đến nay, nguyên do bởi nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng và thăm thân nhân của khách quốc tế và Việt kiều tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán 2020. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1.2020 đã tăng 16,6% so với tháng 12.2019 và tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 1.621,6 nghìn lượt người, tăng 38,9%; khách đến bằng đường biển đạt 80,1 nghìn lượt người, tăng 231,5%; riêng khách đến bằng đường bộ giảm 5,8% với lượng khách đạt 292,4 nghìn lượt người. Việc gần 2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Canh tý 2020 đã làm cho lượng hàng hóa tiêu thụ lớn và là một trong những nguyên nhân tăng giá của các loại thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán”. T.Dũng

Nguồn: Báo Lao động

 

 

Nông dân Bạc Liêu trúng vụ tôm đầu năm  (30/01/2020)

Những ngày Tết vừa qua, kể cả ngày mùng Một Tết, nông dân một số vùng chuyên canh tôm, tôm- lúa kết hợp ở các huyện Hồng Dân, Phước Long, Hòa Bình, Vĩnh Lợi… của tỉnh Bạc Liêu, vẫn rộn ràng thu hoạch tôm càng xanh. Trúng mùa, giá cao, nông dân nuôi tôm phấn khởi với vụ mùa thắng lớn.

Thu hoạch tôm nhiều nhất những ngày này là ở huyện Hồng Dân, đặc biệt là vùng chuyên canh các xã: Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A, Ninh Thạnh Lợi, Ninh Thạnh Lợi A, Lộc Ninh… Theo bà con, vụ này mỗi héc-ta mặt nước thu hoạch chừng 1 tấn tôm càng xanh thương phẩm. Với giá bán khoảng 140.000 đồng mỗi ký dịp Tết (cao hơn từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng so với ngày thường), bà con có thể thu lãi từ 100 triệu đồng trở lên. Do nhu cầu thị trường tăng cao dịp Tết nên tôm càng xanh tươi sống ở Bạc Liêu rất hút hàng, thương lái đến tận vuông tôm thu mua. Điều đáng quý, dù đang là ngày Tết nhưng mỗi khi có người thu hoạch tôm càng xanh, bà con lối xóm vẫn có mặt rất đông để phụ giúp chuyện bắt tôm, tránh thất thoát, hao hụt. Đây cũng là nét đẹp văn hóa vần công duy trì suốt nhiều năm qua ở địa phương này.

Nguồn: Báo Cần Thơ


Tin liên quan

Danh mục